Kỳ thi THPT quốc gia: Thí sinh tiếp tục ‘né’ môn sử

Đến thời điểm này, nhìn chung, tại nhiều trường THPT, khâu học sinh (HS) làm hồ sơ dự thi cơ bản hoàn tất để nộp về cho trường. Sau khi kết thúc chương trình học kỳ II, nhà trường sẽ xếp lớp và dồn sức ôn tập để đảm bảo về kiến thức cũng như tâm lý tốt nhất cho các em bước vào kỳ thi.

Ưu tiên lý, hóa, địa

Tại nhiều trường THPT ở TP.HCM, việc chọn môn thi của HS trung bình 4-5 môn. Theo ghi nhận, số HS đăng ký môn tự chọn nghiêng về khối tự nhiên như lý, hóa và địa chiếm tỉ lệ lớn, rất ít em chọn sinh hay sử. Ngay cả những trường THPT ngoài công lập, trường ngoại thành và khối GDTX những năm trước vẫn ưu tiên chọn các môn “an toàn” như địa, sử, sinh nhưng năm nay các em đã mạnh dạn chọn và đầu tư nhiều hơn cho những môn khó để xét tuyển ĐH.

Cụ thể như Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) năm nay có hơn 320 HS lớp 12 dự thi. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Hương, ngoài ba môn bắt buộc, đa số HS chọn các môn lý, hóa và địa, chỉ có ba HS chọn môn sử và ba em chọn môn sinh. “HS chọn môn địa nhiều vì ít phải học bài, dễ liên hệ thực tiễn. Những em này thường không có định hướng học ĐH nên mới chọn môn địa cho an toàn để đảm bảo đậu tốt nghiệp. Còn lại những em chọn lý và hóa là đã quyết tâm vào ĐH” - bà Hương nói.

Trường THPT Gia Định có hơn 1.000 HS lớp 12 dự thi thì 80% đã định hướng và chọn các môn lý, hóa để xét tuyển ĐH. Trường THPT Nguyễn Khuyến có 776 HS lớp 12 thì có đến hơn 500 em đăng ký thêm môn lý, hơn 300 em chọn môn hóa, kế đến là địa có 92 em chọn và sử chỉ 15.

Tại một số trường ngoại thành và ngoài công lập tình hình cũng tương tự. Ông Trần Văn Phúc, hiệu trưởng THCS-THPT Phạm Ngũ Lão cho biết, có đến 80% HS lớp 12 của trường chọn môn thi tự chọn là lý và hóa vì các em được gia đình và nhà trường định hướng từ rất sớm đã mạnh dạn chọn những môn khó để ưu tiên xét tuyển ĐH hơn là chỉ lo đậu tốt nghiệp như mọi năm. Và khi đã chọn thì các em sẽ học nghiêm túc và xác định ngành nghề xét tuyển rõ ràng hơn.

Ưu tiên phụ đạo cho HS còn yếu

Thời điểm này, hầu hết trường THPT đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ kiểm tra cuối học kỳ II, sau đó bắt đầu dồn sức ôn tập cho các em lớp 12. Điều đáng lo hiện nay là làm sao để đảm bảo cho những em học lực ở mức trung bình hoặc còn yếu có thể nắm vững kiến thức cơ bản, nhất là ở ba môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ để bước vào kỳ thi quốc gia một cách tốt nhất.

Như trường THPT Bình Hưng Hòa, vì là trường ngoại thành nên lượng HS trung bình hoặc yếu còn nhiều, chiếm từ 10-15%. Từ ngày 20-4, Trường THPT Bình Hưng Hòa đã rút những em có năng lực yếu trong ba môn chính toán, văn và ngoại ngữ ra để tổ chức phụ đạo miễn phí thêm một buổi/tuần, có giáo viên kèm cặp và hướng dẫn theo từng môn.

Sau khi kết thúc năm học, trường sẽ họp với phụ huynh HS lớp 12 để lấy ý kiến về việc tổ chức tháng ôn tập cho HS từ 30-5 đến 25-6. Những em nào có nguyện vọng thì sẽ đăng ký và nhà trường tổ chức các lớp học cho các em” – bà Xuân Hương cho hay.

Tương tự với Trường THPT Gia Định, sau đợt nghỉ lễ 30-4, nhà trường sẽ tổ chức cho HS thi thử theo hình thức thi THPT quốc gia để giúp các em hệ thống lại kiến thức ở học kỳ II. Đến tháng 6, trường sẽ tổ chức một đợt thi thử nữa với nội dung bao quát hơn.

Ngoài việc nhà trường mở lớp phụ đạo và kèm cặp riêng, trường THPT Lương Thế Vinh còn họp với phụ huynh của những em học lực còn yếu, nhất là ba môn bắt buộc toán, văn và ngoại ngữ. Theo hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Tâm, với những em này đi thi ưu tiên đậu tốt nghiệp là chính nhưng kiến thức trong nội dung thi rất nhiều, nếu để các em tự học sẽ rất khó. Vì vậy, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phải theo sát, hệ thống kiến thức cơ bản để các em nắm chắc, nhất là kiến thức ở lớp 12 và phụ đạo đến từng em.

“Đây là thời gian rất áp lực nên phụ huynh cần động viên tinh thần cho các em, theo sát và nhắc nhở việc học tập của các em trong từng môn, nhất là ở ba môn bắt buộc, không để các em chểnh mảng và bị hổng kiến thức vì tự ti hoặc căng thẳng quá. Còn sau thi, các em muốn xét tuyển ĐH - CĐ hoặc theo học nghề hay không là tùy các em và gia đình cân nhắc” – bà Tâm nói.

Sai sót phổ biến là khu vực ưu tiên

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, lưu ý chỉ còn 10 ngày nữa là chấm dứt tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia 2016. Sau ngày 30-4, sẽ không xem xét giải quyết thay đổi thông tin về cụm thi và môn thi đã đăng ký. Theo ông Cường, sai sót phổ biến nhất của thí sinh khi nộp hồ sơ là thông tin khu vực ưu tiên tuyển sinh. Nguyên nhân là do năm nay có sự điều chỉnh khu vực ưu tiên, trong khi thí sinh không cập nhật vẫn ghi thông tin theo khu vực ưu tiên cũ. Các sở GD&ĐT cần chú ý hướng dẫn HS điều chỉnh kịp thời trước khi nhập liệu.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm