Lãi lớn, phải trợ giá, sao lại tăng giá?

Trong những ngày qua, thông tin về việc NXBGD tăng giá sách giáo khoa (SGK) 10% khiến dư luận bức xúc. Rất nhiều ý kiến cho rằng vì độc quyền nên mới có tình trạng SGK tăng giá vô tội vạ. Tiếp tục luồng thông tin xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với GS-TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Từng bước xóa độc quyền

Xung quanh việc NXBGD tự ý in chồng giá mới lên giá cũ SGK, ông Thi cho rằng in ấn giá mà chưa có ý kiến chính thức cuối cùng của Chính phủ là vi phạm, cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp như thế. Ít nhất là cần sửa sai, số tiền được lợi do không thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chính thức của Chính phủ thì phải thu hồi và xử lý chứ không để cho những đơn vị cứ làm sai là được hưởng lợi.

Theo ông Thi, về lâu dài cần xóa bỏ độc quyền để tạo ra cơ chế cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Nhưng cạnh tranh cũng là con dao hai lưỡi. Rất có thể cạnh tranh sẽ làm cho chất lượng và nội dung không được đảm bảo. Vì vậy, bài toán không quá đơn giản đến mức chỉ một chiều. Có nghĩa là bài toán không chỉ có độc quyền mà còn là chất lượng.

Để đảm bảo hai yêu cầu này, theo ông Thi, nên lựa chọn một số NXB có đủ điều kiện và từ đó mở rộng dần ra. Sau đó, quy định các điều kiện cụ thể để các NXB có đủ điều kiện thì đăng ký xuất bản SGK.

Nhà nước nên trợ giá

Về dư luận cho rằng NXBGD muốn ăn theo sự tăng giá chung, ông Thi cho rằng nếu đặt vấn đề là phải tăng giá do đầu vào tăng thì mặt hàng nào cũng thế. Có mặt hàng giá trội lên nhiều, có mặt hàng giá trội ít. Nhưng đây là mặt hàng đặc biệt liên quan đến chính sách an sinh xã hội thì nhà nước phải có biện pháp đặc biệt, không thể để người bán tùy tiện. “Nếu đúng có việc NXB in chồng giá mới trên lượng sách đã xuất bản từ 2007 rõ ràng là có sự lạm dụng. Sách anh đã in ra từ năm trước thì giá thành đã tính từ năm trước rồi, sao anh lại bóc đi để in giá mới?” - ông Thi đặt vấn đề.

Theo ông Thi, nhà nước bỏ tiền bù lỗ cho xăng, dầu và các mặt hàng khác thì nhà nước cũng có thể bù lỗ SGK nếu đề nghị tăng giá là có cơ sở. “Trước hết là xem việc tăng giá có cơ sở không, nếu có cơ sở thì phải xem lại giải pháp như thế nào. Tôi trông đợi Chính phủ sẽ trả lời rằng đồng ý cho tăng giá hay là trợ giá? Nếu trợ giá thì sẽ trợ giá như thế nào? Như báo chí nói thì lâu nay NXBGD có lãi lớn, nếu vậy đây là lúc họ bỏ lãi đó ra để trợ giá. Nếu không thì nhà nước bỏ tiền vào. Tôi cho rằng đây là khoản trợ giá không lớn như nhiều lĩnh vực khác mà nó lại có ý nghĩa xã hội rất lớn, vì giá SGK liên quan đến an sinh xã hội và công bằng xã hội” - ông Thi nói.

Lãi lớn, phải trợ giá, sao lại tăng giá? ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân:

Tăng giá sách phải có biện pháp đi kèm

. Thưa ông, việc tăng giá SGK sẽ được quyết định thế nào?

+ Bộ đang làm văn bản, trong tuần này Bộ sẽ báo cáo lại Chính phủ. Trước đây Chính phủ cho phép tăng, vấn đề là phải giải trình các biện pháp đi kèm, ví dụ như tất cả các đối tượng được miễn giảm đến nay vẫn được miễn giảm, tinh thần là không để trường hợp nào vì lý do giá sách tăng mà lại không mua được sách.

. Như vậy giá sách sẽ tăng 10% hay 15%, thưa ông?

+ Văn bản Thủ tướng Chính phủ cho phép là không quá 10%, ví dụ bộ sách tiểu học trước 30.000 thì giờ thành 33.000.

. Trong bối cảnh này, theo ông có nên tăng giá sách không?

+ Đây không phải chủ trương của riêng Bộ mà đã báo cáo Chính phủ từ trước rồi. Bây giờ trong tuần này, Bộ báo cáo lại để Chính phủ cho ý kiến.

. Nhưng trước đây khi Bộ báo cáo và Chính phủ đồng ý thì vấn đề giá cả không căng thẳng?

+ Không, cũng tương đối căng rồi. Vì lúc đó các nhà in không in sách nữa nếu để giá cũ trong khi yêu cầu của mình là sách phải ra kịp thời đến tay người tiêu dùng. Một yêu cầu khác là học sinh có nhu cầu mua sách mà nếu hoàn cảnh khó khăn thì vẫn phải có sách. Một là diện vùng khó khăn thì phát không sách, hai là trường mua sách cho học trò mượn, thứ ba là phát phiếu giảm giá sách. Tinh thần là không để vì giá sách tăng một năm một bộ 3.000-10.000 đồng mà không mua được sách.

. Xin cảm ơn ông.

Độc quyền SGK, ai không muốn xóa ? Ai có quyền xóa?

Lời tòa soạn: Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên VietNamNet 22-3-2006, ông Ngô Trần Ái - Tổng Giám đốc NXBGD tâm sự: Độc quyền hay không là chuyện... của Bộ GD&ĐT! NXB tuy là “ngư ông đắc lợi” nhưng không khỏi áy náy vì... quyền không có mà lại được độc quyền và “được vinh dự làm chính sách”, nuôi lố nhu cầu 800 cán bộ, nhân viên bằng tiền mua sách của học sinh cả nước.

Nhận thấy vấn đề còn nóng bỏng tính thời sự, chúng tôi xin trích giới thiệu lại để cùng bạn đọc tiếp tục tìm cho ra cái gốc thật sự trong câu chuyện độc quyền này.

. Nguồn cơn nào đã khiến chuyện dừng cơ chế độc quyền lại trở nên khó khăn như vậy?

Lãi lớn, phải trợ giá, sao lại tăng giá? ảnh 2+ Rất đơn giản song cũng rất quan trọng, đó là hiện nay ngành giáo dục vẫn chưa có một chương trình chuẩn hóa kiến thức được chi tiết đến từng bài học, như vậy làm sao các nhóm tác giả có chỗ dựa để biên soạn thành sách giáo khoa được.

. Tình trạng này cứ kéo dài nhiều năm và vô hình trung biến thành cái phao cho NXBGD kéo dài sự độc quyền của mình?

+ Các tác giả biên soạn và NXB đã nhiều lần góp ý cho Bộ và Bộ trả lời: Đang nghiên cứu.

. Và NXBGD trở thành “ngư ông đắc lợi”?

+ Chúng tôi nói thêm cho rõ: Việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa không phải NXB tự quyết định được mà do sự phân công của Bộ GD&ĐT trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội.

Hiện nay, NXB không được tự quyền chọn tác giả biên soạn, không được chọn tổng chủ biên, không được chọn hội đồng thẩm định sách.

Còn phát hành sách được giao về các công ty sách và thiết bị của từng địa phương, không phải của NXB.

. Một câu hỏi cuối, nếu thật sự cạnh tranh, thật sự “thị trường”, ông cần lượng nhân sự là bao nhiêu?

+ Hiện NXBGD có 1.600 CBCNV, chỉ cần từ 800 đến 1.000 CBCNV là đủ. Chúng tôi còn phải thực hiện “chính sách”...

Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

NXBGD đã lạm dụng tính độc quyền của mình

Khi loại hàng hóa này ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, nhà nước không thể khoanh tay đứng nhìn. Để đảm bảo quyền lợi cho hàng triệu học sinh, sinh viên, nhất là các em nghèo trong lúc giá cả hàng hóa đang có nhiều biến động như hiện nay, theo tôi nhà nước phải tìm mọi cách chỉ đạo không cho SGK tăng giá lúc này.

Chúng ta đã có luật cạnh tranh, nhà nước phải có chỉ đạo về giá cả để không còn độc quyền hóa, phải để cho thị trường quyết định.

TỐ NHƯ

LÊ KIÊN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm