Mang bằng tốt nghiệp Đại học đi... cầm đồ!

Tấm bằng ĐH chỉ có giá 1,5 triệu đồng?

Bằng THPT ở hiệu cầm đồ Lý Nam Đế
Bằng THPT ở hiệu cầm đồ Lý Nam Đế

Đem máy vi tính, đồ dùng, xe cộ,… đến hiệu cầm đồ thì vẫn có cơ may chuộc lại được và có thể hiểu được vì túng thiếu nhưng đem tấm bằng tốt nghiệp chỉ được cấp một lần duy nhất đi cắm thì quả thực không ổn tí nào.

Với các loại giấy tờ tùy thân, các chủ hiệu cầm đồ không mặn mà lắm nhưng với các loại bằng tốt nghiệp, đặc biệt là bằng đại học thì chủ hiệu nào cũng hồ hởi đón nhận. Dân cầm đồ bằng tốt nghiệp thường “rỉ tai” nhau những địa chỉ quen cầm bằng tốt nghiệp với giá khá cao, thủ tục nhanh gọn, sòng phẳng. Đó là hiệu cầm đồ ngay cạnh trường THPT Quang Trung (đường Láng, quận Đống Đa) và một cửa hiệu cầm đồ trên phố Lý Nam Đế.

Anh Hiển, chủ hiệu cầm đồ ở phố Lý Nam Đế kể: “Cầm bằng tốt nghiệp cũng có “mùa vụ” của nó. Đối với các tân cử nhân ra trường 4, 5 tháng, công việc chưa ổn định, thiếu tiền sinh hoạt, cắm hết các thứ rồi sẽ đem tấm bằng tốt nghiệp đến. Nhiều cử nhân ra trường đã lâu nhưng không kiếm được việc làm hoặc làm việc mà không cần đến bằng ĐH thì bất cứ lúc nào túng tiền họ cũng mang đến cắm”.

Số lượng bằng tốt nghiệp các loại đem đến hiệu cầm đồ rất cao, anh Hiển chủ hiệu cầm đồ ở phố Lý Nam Đế cho biết: bình quân có khoảng 2 tấm bằng tốt nghiệp đến cửa hiệu mỗi ngày! Nói rồi, anh xoè đến 15 tấm bằng các loại ra trước mặt: “Lấy đi lấy lại rồi, mấy tháng qua còn đọng lại ngần này đấy!”. Anh cho biết, hầu hết các đối tượng đã tốt nghiệp ĐH khi đến cắm bằng, thường cắm luôn cả bằng tốt nghiệp THPT cho… đủ bộ!

Tiêu chí để xác lập giá khi cầm cố mỗi cái bằng còn tuỳ thuộc vào vô vàn điều kiện. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong các vụ cầm cố bằng cấp, anh Hiển tiết lộ: “Thường thì không có một mức giá chung, cụ thể nào cho các bằng TN. Nếu bằng loại khá, giá khác bằng loại trung bình. Cùng là loại khá, nhưng nếu điểm tổng kết cao hơn thì có thể cũng được cầm cao hơn”. Anh nói thêm: “Các tiêu chí quan trọng khác được chú ý là: Tốt nghiệp trường nào? Nếu tốt nghiệp trường Bách Khoa chắc chắn sẽ có giá hơn các trường cùng khối kĩ thuật. Bằng của trường công lập cũng khác bằng trường dân lập, trường quốc tế khác trường trong nước, khối quân sự khác khối dân sự“. Các mức độ khác nhau có thể kéo theo mức giá chênh nhau từ 200-300 nghìn đồng. Riêng trường hợp cắm cả bộ (cả bằng THPT và bằng ĐH hoặc CĐ) thì mức giá sẽ rất ưu tiên!

Trong vai một cử nhân đi cầm bằng tốt nghiệp của mình, chủ nhân của hiệu cầm đồ cạnh trường THPT Quang Trung hơi ngạc nhiên vì chuyện con gái dám đem cả bằng cử nhân đi cắm. Chủ hiệu cầm đồ hất hàm hỏi: “Bằng trường nào? Loại gì?”. Sau khi nghe câu trả lời “Trường Báo chí, loại Khá”, anh lắc đầu ngao ngán: “Thế thôi em ạ, bằng của mấy trường đó anh không “khoái”, vì không có giá lắm, ít người thích!“.

Một điểm đáng chú ý là các cửa hiệu cầm đồ các loại bằng tốt nghiệp thường chuộng bằng THPT hơn là bằng ĐH. Lí do thật đơn giản: Bằng tốt nghiệp THPT dễ “tiêu thụ” hơn bằng ĐH và nếu như có chuyện gì xảy ra thì mua bán bằng tốt nghiệp THPT cũng bị xử lý nhẹ hơn mua bán bằng ĐH.

Khi có một anh chàng mang cả 2 bằng: bằng tốt nghiệp THPT và bằng ĐH Thủy lợi đến, anh Hiển, chủ hiệu cầm đồ ở phố Lý Nam Đế ra giá: “Em để lại chứng minh thư (CMT), bằng cấp 3, anh sẽ trả em 2,5 triệu đồng. Còn bằng ĐH Thuỷ lợi của em, anh trả kịch kim là 1,5 triệu đồng. Không thể cao hơn được”.

Giữ bằng photo, đem bằng gốc đi cắm?

Gặp Nguyễn Văn Huy, cựu SV ĐH Luật ở hiệu cầm đồ trên Lý Nam Đế, Huy thở dài: “Tốt nghiệp xong, vác bằng đi xin việc mà chẳng nơi nào nhận. Ra trường gần một năm trời mà không xin nổi việc. Trong lúc chờ đợi, tôi đã đi buôn quần áo từ cửa khẩu Lạng Sơn về Hà Nội cùng anh trai. Càng về sau, công việc càng tiến triển và tôi nhận thấy mình hợp với kinh doanh buôn bán chứ không phải là những lí lẽ trong cuốn sách luật. Đã hơn một năm rồi, cái bằng để không một chỗ, đem “bán” còn có giá trị hơn”.

Bên cạnh đó, thiếu tiền ăn, thiếu tiền chơi, thiếu tiền đánh lô đề, nhậu nhẹt mà cắm cả bằng TN cũng là những lí do phổ biến. Anh bạn có bằng tấm bằng ĐH Thuỷ lợi vừa nêu trên cho biết: Em cầm bằng để làm con lô! Một là không còn gì, hai là sẽ thật “hoành tráng”! Rồi sẽ chuộc bằng ra sau!”. Khi được hỏi không giữ bằng lại thì lấy cái gì đi xin việc, cậu cười: “Trước khi cắm bằng thì phải photo công chứng ra hàng chục bản rồi chứ. Bây giờ, đâu có ai cần nộp bằng gốc? Có những chỗ còn không cần bằng, lo gì! Đợi khi nào lô về, hoặc xoay được tiền, đến lấy cũng không muộn”.

Vô giá với em nhưng với anh chỉ là...giấy lộn!

Trước khi tìm đến được 2 hiệu cầm đồ kể trên, tôi đã mang bằng TN ĐH của mình qua 5 hiệu cầm đồ trên đường Láng nhưng không hiệu nào “chịu cầm”! Quá ngạc nhiên, vì tấm bằng cử nhân báo chí của tôi rất có giá trị nhưng các chủ hiệu cầm đồ từ chối thẳng thừng: “Nó chỉ quan trọng với cá nhân em thôi, chứ với bọn anh, nó chả có ý nghĩa gì. Anh không dùng được, bán cũng không biết bán cho ai, nếu em bỏ lại đây vì không có tiền chuộc thì nó chỉ là tờ giấy lộn mà thôi!”

Sở dĩ, các cửa hàng cầm đồ như của anh Hiển đồng ý cầm bằng TN là vì họ có những “mối làm ăn” để có thể “tiêu thụ” bằng nếu có người cần mua. Anh Hiển đã bán lại được một tấm bằng tốt nghiệp THPT với giá 4 triệu đồng cho một người rao thông tin trên mạng với nội dung: “Tôi đang cần mua bằng THPT, học bạ THPT, nếu ai có thể đáp ứng yêu cầu thì xin liên hệ qua email: thuongdora2005@ ….” Căn cứ vào địa chỉ Email để lại, anh đã gặp gỡ, trao đổi và đi đến thoả thuận mua bán. Còn làm gì để hợp pháp hoá tấm bằng là chuyện của… khách hàng!

Theo anh, thì chuyện có được phôi bằng là quan trọng nhất. Dấu má không tẩy được, nhưng tên tuổi in bằng mực thì có thể tẩy xoá đơn giản! Việc hợp pháp hoá tấm bằng không quá phức tạp. Khi được hỏi về các đầu mối mua bằng phía sau, anh chỉ cười: “Đó là chuyện làm ăn!”

Vì dễ dàng như thế, giá của những tấm bằng cũng không hề tương xứng với giá trị của nó. Khi nghe anh Hiển phát giá 1,5 triệu đồng, Huy, cử nhân ĐH Bách khoa giật nẩy mình: “Sao rẻ mạt vậy anh? 5 năm trời của em đấy”. Chưa dứt lời, anh Hiển chắp tay vái: “Lạy bố! Bằng của bố thì trung bình, lại ngành Hoá thực phẩm, cầm cho bố 1 triệu đồng là ngon rồi, đòi thêm nữa sao?”. Nói rồi, anh xoè đủ cả 15 tấm bằng lúc trước cho tôi xem ra trước mặt Huy rồi chêm thêm: “Đây này, toàn bằng khá giỏi của trường ngon mà chỉ cầm có 2 triệu đồng thôi đấy. Bố có đồng ý thì làm hợp đồng, lãi suất 7.000 đồng/ngày/triệu. Sau 15 ngày mà không gia hạn thêm là bố đừng có trách sao bán bằng của bố mà không hỏi!”.

Làm thủ tục xong với cậu bạn này, anh quay sang tôi phân trần: “Trong số những đứa đi cắm bằng có đến hơn 1/3 không quay lại lấy. Cầm bằng 2 triệu đồng sau khoảng 2 tháng mà không có động tĩnh gì là chắc chắn từ bỏ!”.

Cẩm Quyên (VietNamNet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm