Mập mờ ‘mác’ trường quốc tế

Tại buổi họp báo thông tin vụ việc cháu bé sáu tuổi chết nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Trường Gateway diễn ra vào trưa 7-8, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội, khẳng định trên địa bàn quận không có trường nào có tên quốc tế hay được công nhận quốc tế, nếu có là do các trường tự gắn mác vào.

Gateway tự gắn tên là trường quốc tế

Theo trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, trong quyết định thành lập trường chỉ có Trường Tiểu học Gateway chứ không có từ “quốc tế”. Trong khi thực tế, tên gọi của trường này là Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Gateway International School).

Theo ông Anh, chữ “quốc tế” là do một số trường ngoài công lập tự gắn vào, mục đích có thể để quảng cáo, thu hút tuyển sinh. Trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện có một số trường có yếu tố nước ngoài (như có người nước ngoài đầu tư) chứ không có trường quốc tế.

Trường Gateway được giới thiệu là trường học theo mô hình chuẩn Hoa Kỳ, được trang bị trang thiết bị tối tân, hiện đại bậc nhất. Tại Gateway, học sinh (HS) được học song ngữ ngay từ bậc tiểu học. Các chương trình học bằng tiếng Việt như môn văn-tiếng Việt, giáo dục lối sống, phát triển cá nhân của trường được giảng dạy theo phương pháp hiện đại.

Trên trang web của Gateway, học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 được niêm yết là 117.700.000 đồng/năm chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt và phí trông muộn. Anh Hà Duy Cường (phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường Gateway) cho biết vì bạn bè và người thân từng có con học ở đây nên anh tin tưởng ở trường, hơn nữa anh cũng tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định nộp hồ sơ cho con vào trường này.

Trường Tiểu học Gateway tự gắn mác thành Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway. Ảnh: AN HIỀN

Chỉ là tên gọi

Tại Hà Nội, các trường “quốc tế” do các cơ quan ngoại giao thành lập là Trường Liên Hiệp Quốc UNIS, Trường Trung học Alexandre Yersin (thuộc Đại sứ quán Pháp), trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga… Các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (của Thổ Nhĩ Kỳ)… hay trường có vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, Trường Quốc tế Hà Nội… Ngoài ra, có trường mang danh “quốc tế” nhưng dạy kết hợp cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài.

Một lãnh đạo Trường Tiểu học quốc tế Thăng Long cho biết trường mang tên như vậy chứ không phải là trường quốc tế, đó chỉ là tên gọi. Không phải thấy tên quốc tế và đào tạo theo kiểu quốc tế mà cho là trường quốc tế được. Vị lãnh đạo này cho biết trường đào tạo HS theo chương trình của Bộ GD&ĐT, ngoài ra còn học tiếng Anh theo tiêu chuẩn của nhà trường. Năm học 2019-2020, trường bắt đầu triển khai đào tạo chương trình song ngữ.

Đại diện Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết: “Nếu hiểu về trường quốc tế đúng theo chữ international (quốc tế) thì quận Tây Hồ chỉ có một trường quốc tế duy nhất, đó là Trường Quốc tế UNIS - Trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc, được thành lập bởi Liên Hiệp Quốc và chính phủ Việt Nam. Còn lại là các trường có yếu tố nước ngoài như Trường Việt Nam - Singapore, Trường Song ngữ quốc tế Horizon, Trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori…”.

Nói thêm về tên gọi trường “quốc tế”, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ thừa nhận đúng là hiện tại chưa có quy định cụ thể về tên gọi, quy chuẩn trường “quốc tế”. Tuy nhiên, không phải trường nào muốn dùng tên “quốc tế” cũng được. Việc sử dụng tên quốc tế phải dựa vào đề án được trình để cấp phép và theo giấy phép thành lập trường. “Rất nhiều trường có xu hướng muốn quốc tế hóa bằng cách sử dụng tên tiếng Anh để đặt tên cho trường nhằm thu hút HS nhưng đều không được phép” - thông tin từ Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết.

ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), cũng thừa nhận hiện vẫn chưa có quy định nào về tên gọi trường “quốc tế”. Đồng thời cũng chưa có căn cứ pháp lý để khẳng định việc các trường tự xưng là trường “quốc tế” có vi phạm hay không. “Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ có quy định rõ về vấn đề này” - ông Minh cho biết.

Luật hiện hành chỉ có ba loại hình trường

Luật Giáo dục năm 2005 (được sửa đổi các năm tiếp theo) quy định ba loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm trường công lập, trường dân lập và trường tư thục.

Tương tự, Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) cũng chỉ quy định ba loại hình nhà trường tương tự như trên. Trong đó, trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Ngoài ra, Nghị định 86/2018 quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cũng quy định rõ về việc đặt tên cho các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

----------‐--------------------

Sáng 8-8, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tổ chức công bố kết luận thanh tra việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD&ĐT TP Hà Nội. Tại đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế. “Qua thanh tra để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Bằng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm