DẠY HỌC TRỰC TUYẾN Ở MỸ - NGỔN NGANG TRĂM MỐI - BÀI 2

Mặt trái của “đại học online”

Thời gian đầu, do tốc độ Internet còn chậm, việc dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng. Về sau, năng lực tổ chức dạy học trực tuyến nâng cao vượt bậc nhờ tiến bộ trong công nghệ và Internet tốc độ cao. Ngày càng có nhiều trường mở ra hình thức dạy học này, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Những tiện ích cần được ghi nhận

Dân số bùng nổ, sự thuận lợi về kỹ thuật và cạnh tranh chỗ làm việc ngày càng gay gắt. Nhu cầu về giáo dục bậc cao hơn cũng gia tăng.

Lịch làm việc và nghĩa vụ gia đình làm cho người ta không thể nào sắp xếp thời gian để tham dự các lớp học theo cung cách truyền thống. Các trường truyền thống cũng khó là điểm đến đối với những người dân tộc thiểu số và những người có vấn đề về kiến thức căn bản do hoàn cảnh. Nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng thâm hụt ngân sách, buộc lòng tinh giản giáo viên và… dẫn tới sinh viên quá đông, gây khó khăn cho sinh viên trong việc đăng ký vào các lớp học có chương trình mà họ mong muốn. Mô hình dạy học online cho phép họ có thể học các bậc học sau phổ thông mà vẫn giải quyết được những công việc cá nhân khác. 

Một học viên cao học tên là Emily tại Trường ĐH Walden xác nhận điều đó. Cô là một người vợ tận tụy, có đứa con gái hai tuổi, suốt ngày phải đi dạy học. Cô cần một chương trình mà cô có thể theo học tại… nhà.

Nhiều sinh viên không thích phải ngồi trong lớp, nghe thầy giáo giảng bài và phải lo lắng về các bài kiểm tra, bài tập hằng ngày. Mô hình ĐH online giải phóng họ khỏi những điều đó. Lớp trực tuyến còn được thiết kể để sinh viên có thể học theo nhịp độ riêng của họ. 

Sinh viên vào học trường truyền thống có thể phải chờ vài tháng cho đến khi học kỳ này qua đi và học kỳ tới bắt đầu. Với các trường ĐH trực tuyến, các khóa học thường bắt đầu năm tuần một lần, diễn ra quanh năm. Nếu sinh viên vào trễ họ sẽ chỉ phải đợi một vài tuần. Sinh viên không phải lo âu về việc sẽ có lớp học hay là không do tình trạng quá tải. 

Mặt trái của “đại học online” ảnh 1

Mặt trái của “đại học online” ảnh 2

Sự thiếu tương tác giữa sinh viên với giảng viên và  bạn học khiến nhiều người nghi ngờ chất lượng của loại hình dạy học trực tuyến (ảnh trên)so với hình thức dạy và học truyền thống (ảnh dưới).

Do thế giới ngày nay thay đổi liên tục, các khóa học thường xuyên phải được cập nhật và bổ sung. Trường truyền thống có thể mất vài tháng hoặc một năm để tổ chức các khóa học cần thiết, phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện tại, trong khi các trường trực tuyến linh hoạt làm điều này trong vài ngày hoặc vài tuần. Mark DeFusco, cựu Chủ tịch điều hành Trường ĐH Phoenix, nói đùa rằng: “Chúng tôi sẽ đưa một nhóm giảng viên vào một phòng khách sạn vào ngày cuối tuần, không cho họ về trừ phi họ có chương trình giảng dạy mới”. Cuối cùng, sinh viên được hưởng lợi từ chương trình mới đến mức nóng hổi ấy.

Giá trị của “cử nhân online” trong thế giới thực

Mặc dù sinh viên đầu tư thời gian và tiền bạc để hoàn thành quá trình học của mình, nhiều công ty không “thấy” sự tương đương giữa bằng cấp học trực tuyến với bằng cấp của trường truyền thống. Với các lớp học thường chỉ kéo dài trong năm tuần, có bao nhiều tài liệu thực sự được truyền tải trong phạm vi một môn học cụ thể và liệu có đủ thời gian cho sinh viên tích lũy đủ kiến thức có giá trị để vận dụng? 

Thứ hai, có bao nhiêu sinh viên có thể đem những thứ đạt được từ giao tiếp ảo để thi thố trong môi trường giao tiếp vào đụng ra chạm của thực tế? Ngoài ra, bởi vì các bài tập, video và sự diễn giảng, tất cả đều được đưa lên lớp học trực tuyến trước, giảng viên luôn hiện diện qua email, chat nhưng không buộc phải online cùng thời điểm với sinh viên. Do hạn chế này, sinh viên khó mà gặp giảng viên hướng dẫn trực tiếp được. 

Giáo dục trực tuyến phát triển và có nhiều người theo học bởi hấp lực về sự thuận tiện, tính linh hoạt nhưng cũng nảy sinh một vài vấn đề về lợi nhuận. Học phí ở các trường ĐH vì lợi nhuận đắt xấp xỉ 5-6 lần so với các trường cao đẳng cộng đồng, gấp đôi so với các trường ĐH công lập. Hầu hết sinh viên không đủ tiền để trả học phí, vì vậy họ xin tài trợ và vay tín dụng đào tạo để trang trải các chi phí. Trong nhiều trường hợp, nếu sinh viên làm như thế cho đến khi tốt nghiệp, họ sẽ tạm biệt mái trường với gánh nặng nợ nần oằn vai. 

Theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, tỉ lệ sinh viên trả được nợ tín dụng học tập tại các trường cao đẳng và ĐH trong năm 2009 là: 54% ở các trường ĐH và cao đẳng công lập, 56% tại các trường tư thục phi lợi nhuận và 36% tại các trường vì lợi nhuận.

“Điều đáng lưu ý ở chỗ trường vì lợi nhuận là loại trường duy nhất nơi đa số sinh viên không trả được nợ vay của họ” - ông Debbie Frankle Cochrane, Giám đốc chương trình tại Viện College Access and Success, nói. Những sinh viên không có khả năng trả nợ bị nhà nước trừ tiền công và phải hoàn trả thuế. Điều đó còn khiến họ khó tìm kiếm việc làm trong các cơ quan của nhà nước…

Lôi kéo sinh viên bằng mọi giá

Mỗi sinh viên nhập học được xem là một “nguồn thu” tại các trường ĐH vì lợi nhuận. Do mức học phí đắt đỏ, sinh viên buộc phải xin trợ cấp và vay vốn học tập. Theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, 75% nguồn thu của các trường ĐH vì lợi nhuận chính là từ các khoản vay và xin trợ cấp từ liên bang. Những trường này tiếp nhận khoảng 10% sinh viên của quốc gia nhưng nhận được gần 25% của số tiền 24 tỉ USD từ quỹ cho vay của chính phủ đối với các trường ĐH. 

Các cố vấn tuyển sinh  làm đủ mọi cách để tăng tỉ lệ sinh viên đăng ký. Một cựu cố vấn tuyển sinh (đề nghị giấu danh tính) nói: Cấp trên thường bảo chúng tôi rằng “Bới sâu vào. Đến với sự khổ nhọc của họ. Bằng cách đó, các anh có thể thuyết phục họ rằng một tấm bằng ĐH sẽ giải quyết tất cả các vấn đề…”. Nếu một cố vấn tuyển sinh không “kéo” được một lượng nhất định sinh viên nhập trường mỗi tháng, anh ta phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Chúng tôi  liên tục bị nhắc nhở “Hãy nói chuyện và đặt câu hỏi cho đến khi họ nói có!”. Nếu các sinh viên không có tiền để nộp 50 đôla phí hồ sơ hoặc muốn bỏ nó đi, tôi được chỉ đạo để nói “Không sao, chúng tôi có thể làm cho bạn!”. Sự thật là sinh viên ấy có thể không nộp lệ phí hồ sơ trước nhưng số tiền ấy sẽ được… gộp vào học phí.

Sinh viên đầu tiên của tôi là một người đàn ông trẻ. Anh muốn đi học trở lại vì muốn lo cho gia đình và nêu gương tốt cho con gái của mình. Anh luôn luôn mơ ước được làm việc trong ngành luật, vì vậy tôi gợi ý anh học luật hình sự. Sau khi nghe mô tả chương trình, anh hỏi tôi nếu theo học chương trình này có đảm bảo cho anh một việc làm trong ngành luật không. Từ trong sâu thẳm, tôi biết rằng không có gì là đảm bảo cả. Tuy nhiên, câu trả lời của tôi là: “Hoàn toàn được”.

“Chiến thuật tuyển dụng bạo liệt và lừa lọc chính là đóng góp của tôi cho cái nghề  này” - anh nói.

Lịch sử phát triển của dạy, học trực tuyến

Tại Hoa Kỳ

1728: Một thông báo được đăng trên Công báo Boston tuyển sinh viên học những bài học cấp tốc (bài được gửi hằng tuần).

1873: Hội Khuyến khích học tại nhà được thành lập tại Boston, Massachusetts.

1937: Các máy tính kỹ thuật số hiện đại ra đời. 

1953: ĐH Houston đưa ra hình thức học tín chỉ qua KUHT, đài truyền hình nhà nước đầu tiên ở Hoa Kỳ.

1989: Trường ĐH Phoenix “chào hàng” chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ trực tuyến đầu tiên.

1994: CalCampus giới thiệu khái niệm chương trình giảng dạy trực tuyến hoàn chỉnh.

1996: Trường ĐH Quốc tế Jones trở thành trường ĐH đầu tiên được công nhận là dạy học hoàn toàn trên mạng. 

2009: Tổng thống Obama cam kết chi 500 triệu đôla đầu tư cho dạy học trực tuyến.

Năm 2006, Sloan Consortium (Hiệp hội Các cơ sở đào tạo và tổ chức cam kết chất lượng của giáo dục trực tuyến) cho hay hơn 96% các trường cao đẳng và ĐH lớn nhất ở Hoa Kỳ tổ chức hình thức dạy học trực tuyến và gần 3.200.000 sinh viên Hoa Kỳ tham gia học trực tuyến ít nhất một khóa trong năm 2005.

Trên thế giới:Trường ĐH London là trường ĐH đầu tiên xây dựng chương trình đào tạo từ xa dành cho đối tượng ngoài trường với tên gọi là “External Programme” vào năm 1858.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Tổng hợp từ  study-online.net, onlineschool.com, onlineschools.org, sloanconsortium.org…)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm