Môn Đạo đức chưa được quan tâm đúng mức

Đây là kết quả đáng chú ý trong một khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước được báo cáo tại hội nghị tổng kết năm năm phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực” giai đoạn 2008-2013 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19-7 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, nhiều giáo viên cho rằng nhiều nội dung trong môn Đạo đức mang tính triết học, hàn lâm, khô cứng, chưa quan tâm giới thiệu những tấm gương người tốt việc tốt cho HS noi theo. Một số bài học trong môn Đạo đức chưa phù hợp với tâm sinh lý HS, như lớp 5 có bài Liên Hợp Quốc; lớp 9 có bài Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân, quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế, quyền tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội của công dân… Trong khi đó, nhiều bài học bổ ích lại bị cắt giảm, như lớp 4 có bài Đạo đức và kỷ luật, lớp 9 có bài Lý tưởng sống của thanh niên

Theo ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn, nội dung chương trình học hiện nay nhiều khiến HS không có điều kiện và thời gian được tham gia các hoạt động đoàn, hội, kỹ năng sống để trau dồi đạo đức. “Ngành giáo dục đưa ra phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhưng lịch học của các em HS quá dày, thời gian học tập bị áp lực nên khó thực hiện được. Bộ GD&ĐT cần xem xét cân đối lại chương trình, cải tiến chương trình theo hướng gọn nhẹ và phù hợp hơn” - ông An nói.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đúng là môn Đạo đức hiện chưa được quan tâm thích đáng, nhiều nội dung chưa phù hợp. Việc này Bộ sẽ xem xét và có hướng sửa đổi cho hợp lý trong tình hình mới. Tuy nhiên, chúng ta nên bỏ quan niệm rằng giáo dục đạo đức là nhiệm vụ của nhà trường hoặc chỉ có trong môn Đạo đức, mà đây chính là trách nhiệm của cả gia đình và toàn xã hội. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức còn được tích hợp trong nhiều môn học và hoạt động khác nhau.

Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng phong trào “Trường học thân thiện, HS tích cực” thời gian qua đã góp phần thay đổi nhận thức của thầy và trò, hỗ trợ trong đổi mới công tác dạy và học. “Sắp tới, Bộ sẽ đưa những nội dung của phong trào này thành hoạt động cụ thể của ngành giáo dục. Đây sẽ là nền tảng để ngành giáo dục các địa phương thực hiện chuyển đổi từ giáo dục thụ động, ghi chép sang chủ động, chú trọng giáo dục năng lực và phát triển kỹ năng của người học và chuyển đổi từ hệ thống giáo dục khép kín sang hoạt động mở, học tập suốt đời với sự hỗ trợ của toàn cộng đồng” - bộ trưởng chỉ rõ.

l Cùng ngày, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức hội nghị tổng kết năm năm cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cuộc vận động đã có những chuyển biến tích cực, đã góp phần thay đổi tích cực hình ảnh người thầy, được xã hội nhìn nhận, biểu dương nhưng kết quả chưa thực sự bền vững. Sắp tới, cuộc vận động phải thiết thực hơn bởi thầy, cô giáo là yếu tố quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm