Nặng dạy kiến thức, nhẹ luyện đạo đức

Chương trình giáo dục hiện tại chưa phù hợp, chủ yếu cung cấp kiến thức cho học sinh mà chưa chú trọng việc dạy làm người; gấp rút cải cách chương trình, thay đổi tư duy về giáo dục… Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại Hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” diễn ra ngày 31-7 tại Hà Nội. Hội nghị do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Cấu trúc lại hệ thống bậc phổ thông

Đánh giá thực trạng giáo dục hiện nay của nước ta, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mở đầu hội nghị với giải pháp về thay đổi tư duy tiếp cận. Theo bà Hà, phương pháp giáo dục cần đi theo tư duy học để tự tin hòa nhập, phát triển, học để hiểu biết hơn là học để lấy bằng cấp. Để làm được điều này, xã hội, các cấp lãnh đạo quản lý phải thay đổi cách tuyển dụng, có thể một phần giúp cho các em học sinh không bị quá thúc ép về chuyện bằng cấp, đến trường học để lấy kiến thức chứ không phải học để lấy bằng cấp.

Nặng dạy kiến thức, nhẹ luyện đạo đức ảnh 1

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: VIẾT THỊNH

GS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh) bày tỏ quan điểm cần phải cấu trúc lại hệ thống bậc học phổ thông. Theo giáo sư, chúng ta đang bắt học sinh học những thứ mà sau khi tốt nghiệp chúng không bao giờ gặp phải trong cuộc sống hay trong nghề nghiệp. Từ đó ông đề nghị một mô hình theo kết cấu: Cấp tiểu học và THCS chỉ có một chương trình, cấp THPT được phân ra thành hai nhánh, một nhánh tạm gọi như cũ là trung học phổ thông, nhánh khác gọi là trung học có dạy nghề. “Các trường THPT (chiếm 40% số học sinh) nhằm đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể học ở các trường ĐH, chương trình có năm môn bắt buộc là toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất. Ngoài ra còn có các môn học tự chọn khác. Với nhánh còn lại, có mục tiêu đào tạo sau khi tốt nghiệp có trình độ THPT và có thể ra làm nghề luôn hoặc học lên trung cấp, CĐ.

Mới chú trọng dạy kiến thức        

Đánh giá về những bất cập của mô hình giáo dục hiện tại, GS Hoàng Xuân Sính (ĐH Thăng Long) cho rằng trong vòng 12 năm từ tiểu học cho đến THPT chỉ làm được một điều là trang bị kiến thức cho học sinh, còn những đức tính của con người thì chưa làm được.

Chung ý kiến này, GS Văn Như Cương đánh giá trong chương trình hiện hành các môn học dạy làm người không được chú trọng. “Những quy tắc đơn giản trong giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên nhiên. Những điều ác cần tránh, những điều thiện nên làm, những phẩm chất cần rèn luyện như tính trung thực, lòng vị tha, tôn trọng pháp luật… đều không được dạy dỗ một cách có hệ thống và bài bản trong trường học của chúng ta hiện nay” - GS Văn Như Cương nói.

Bày tỏ lo lắng về việc phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực về giáo dục đào tạo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng đổi mới tư duy như thế nào thì phải thông qua mục tiêu các cấp học, bậc học để xem khiếm khuyết ở đâu để sửa, không thể đưa ra những giải pháp chung chung. Nếu vẫn xác định sản phẩm đào tạo của các cấp cần nhiều số lượng, bằng cấp, nặng về lý thuyết hơn chất lượng thì không cần phải đổi mới gì. “Đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại từng lĩnh vực để có giải pháp cụ thể, phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề. Cần đưa ra cốt lõi đổi mới giáo dục là gì để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội” - Phó Chủ tịch nước kết luận.

Phó chủ tịch nước đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo bà Doan, cơ sở của việc này là kỳ thi nào cũng có trường đỗ 100%, nhiều tỉnh 99%. Được duy nhất một năm thắt chặt “hai không” thì có trường chỉ đỗ 14%, có trường thậm chí có lớp chỉ đỗ 0%. Liệu có thắt mãi được không? Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH được tổ chức quá gần nhau vừa khổ cho gia đình, vừa khổ cho nhà trường, tốn kém tiền của xã hội.

Đồng thời, cũng theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cách đánh giá kết quả giáo dục đào tạo cũng phải xem lại. Không thể lấy kết quả sáu môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm