ĐỂ CHẤM DỨT BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG:

Nên tăng cường giáo viên thể dục, đạo đức

Chỉ vì “nhìn mặt thấy ghét”; va chạm trong lúc vui chơi hay muốn thể hiện cái “tôi”; ghen tuông trong yêu đương; nói xấu nhau trên diễn đàn mà nhiều học sinh sẵn sàng đánh bạn một cách dã man bằng hung khí. Thậm chí các em còn quay phim rồi tung lên mạng và coi như một “chiến tích”… Ngày 28-7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau” để tìm cách hạn chế tình trạng trên.

Năm vụ học sinh đánh nhau mỗi ngày

Thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm học 2009-2010 đến nay, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng năm vụ/ngày). Nhà trường phải xử lý kỷ luật khiển trách hơn 880 em, cảnh cáo gần 1.600 em và buộc thôi học có thời hạn tối đa một năm với 735 em. Ước tính cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ chín trường thì có một trường có học sinh đánh nhau...

Theo đánh giá của ông Trần Quang Huy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, phần lớn các học sinh trên chỉ vì thích thể hiện bản thân thái quá, thiếu khả năng kiềm chế và cách ứng xử văn hóa với những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Nhiều em còn câu kết thanh thiếu niên bên ngoài đã bỏ học hoặc tổ chức thành nhóm có hung khí để “xử lý cái gai” là bạn đồng học của mình. Đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn là học sinh cuối cấp THCS và THPT. Đây là lứa tuổi mà cơ thể các em đang có sự phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết mâu thuẫn, dễ bị bạn bè lôi kéo.

Nên tăng cường giáo viên thể dục, đạo đức ảnh 1

Giáo dục đạo đức, tổ chức các hoạt động vui chơi sẽ hạn chế các học sinh đánh nhau. Ảnh: HTD

Có nhiều lý giải để trả lời cho câu hỏi: Nguyên nhân nào đã khiến các em học sinh sớm trở thành “tội phạm”? Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Quý, ông rất ấn tượng với khảo sát của báoPháp Luật TP.HCM: 63% từ sự ảnh hưởng không tốt của cha mẹ (trong đó, cha mẹ bận rộn, không quan tâm: 46%; cha mẹ nêu gương xấu: 4%; cha mẹ nuông chiều: 9% và cha mẹ tạo chấn thương tâm lý: 4%). Ngoài ra, học sinh trung học hiện chưa được trang bị các kỹ năng sống cần thiết như tự nhận thức, kiên định, thương lượng hay kỹ năng giải quyết mâu thuẫn.

Tăng hoạt động xã hội, vui chơi lành mạnh

Riêng về chương trình đào tạo hiện nay, đại diện ngành giáo dục TP.HCM nhận xét: Chương trình học tập nặng nề khiến học sinh không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ, đội nhóm nhằm rèn luyện nhân cách. Học sinh không có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, tâm lý dễ xúc động, thiếu kiềm chế. Bản thân thầy cô cũng bị áp lực giảng dạy nên buông lỏng việc dạy làm người.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, kiến nghị Bộ GD&ĐT nên coi việc giải quyết bạo lực học đường là việc làm lâu dài, xây dựng hẳn một chương trình, dự án quốc gia làm liên tục trong nhiều năm. Bộ nên cải tiến nội dung, chương trình giáo dục đạo đức trong trường học; sớm đưa giáo dục giá trị sống, một chương trình được nhiều nước áp dụng vào trường học.

Gợi ý với ngành giáo dục về cách giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Năm tới, ngành giáo dục nên tăng biên chế giáo viên thể thao, quốc phòng, giáo viên dạy kỹ năng sống”. Phó thủ tướng cho rằng gần 20 năm qua, xã hội có nhiều thay đổi, trình độ văn hóa, kinh tế phát triển nhưng thời gian cha mẹ dành cho con cái giảm nhiều so với trước. Song song đó, các phương thức dạy học trong nhà trường lại vẫn giậm chân tại chỗ. Sắp tới, Bộ GD&ĐT nên hạn chế học sinh đánh nhau bằng cách giáo dục đạo đức và tổ chức các hoạt động vui chơi tích cực, lành mạnh.

Một số đặc điểm tâm lý nổi bật của học sinh:

Tính độc lập: Muốn tự phán đoán các hiện tượng, các tình huống quyết định hành động của mình.

Tính kiên quyết: Thích hành động dũng cảm, dám nghĩ, dám làm. Hạn chế của tính này là sự hung hăng, liều mạng nên nhiều khi không lường trước được hậu quả.

Có lòng tự trọng cao: Thường nhạy cảm với sự đánh giá của người khác, rất quan tâm coi trọng những nhận xét, lời khuyên của người lớn tuổi.

Tích cực tham gia hoạt động tập thể: Đây là nét nổi bật của học sinh THPT. Thông qua hoạt động này, các em được thử thách lớn lên, phát triển phong phú thêm nhân cách của mình.

Muốn thể hiện mình: Muốn nhiều người chú ý vào mình, muốn được nổi tiếng hoặc gợi sự nổi tiếng bằng việc tự bôi xấu mình, gây xì căng đan hoặc dùng báo chí để lăng xê mình.

(Tổng hợp của Bộ GD&ĐT)

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm