Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: Quên đào tạo nhân cách cho SV!

Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: 41% SV không thích sống cao thượng

Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: Sinh viên dễ sa ngã

Từ kết quả đề tài nghiên cứu của tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến phản hồi cùng những đề xuất của các cán bộ đang trực tiếp giảng dạy và quản lý sinh viên tại các trường ĐH.

Ông Lê Minh Ngọc, Trưởng khoa Xã hội học Trường ĐH Văn Hiến:

Đừng vội phán xét sinh viên đang làm sai

Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: Quên đào tạo nhân cách cho SV! ảnh 1Tôi đồng ý rằng sinh viên có những biểu hiện như trong đề tài nghiên cứu của tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, đó là hiện thực cuộc sống. Nhưng theo tôi không nên có cái nhìn quá tiêu cực về sinh viên chỉ qua những số liệu đó. Chúng ta có thể đưa ra lời khuyên, định hướng cho họ nhưng không nên áp đặt mà phải tôn trọng, phân tích kỹ và đánh giá đúng.

Thế hệ chúng tôi ngày xưa được sống trong môi trường tập thể nên có ý thức cộng đồng rất cao. Chúng tôi luôn ý thức về trách nhiệm với đất nước và xã hội trước tiên rồi mới nghĩ đến bản thân. Còn ngày nay, các bạn sinh viên ngày càng có ý thức về cái tôi cá nhân nhiều hơn, nói thẳng ra là các bạn đang bị chủ nghĩa cá nhân của phương Tây mê hoặc. Đây chính là điểm mấu chốt tạo ra sự khác nhau trong lối sống đạo đức của sinh viên ngày nay so với cha anh ngày trước. Không nên lấy những chuẩn mực ngày xưa để soi rọi vào hiện thực hôm nay.

Do hiện nay đang có những xu hướng khác nhau về quan niệm đạo đức trong một xã hội hiện đại nên đừng vội phán xét rằng sinh viên đang làm sai. Có thể bây giờ việc làm đó không hợp thời nhưng 10 năm nữa thì chưa chắc. Tôi lấy ví dụ trong bản nghiên cứu, tiến sĩ Sơn cho rằng việc sống thử và coi phim sex là một thói hư tật xấu. Nhưng đó là theo quan điểm của phương Đông, theo những chuẩn mực đạo đức từ ngàn xưa. Chứ nếu chúng ta đem nó ra so với phương Tây thì sẽ bị chê là lạc hậu ngay. Sinh viên ngày nay sống trong thế giới của truyền hình, phim ảnh, sách báo, Internet... Họ chính là đối tượng được “toàn cầu hóa” mạnh mẽ nhất, khi đó sinh viên Việt Nam ngoài bản sắc văn hóa của mình sẽ bắt buộc phải mang những đặc tính của một sinh viên toàn cầu.

Ông Nguyễn Thiện Duy, Phó Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Sinh viên ngày càng thực dụng hơn...

Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: Quên đào tạo nhân cách cho SV! ảnh 2Theo tôi, trong mấy năm gần đây, một bộ phận sinh viên đang có những biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống như trong nghiên cứu của tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn đã chỉ ra. Đáng lo ngại hơn là nhiều trường chỉ quan tâm đến công tác đào tạo mà quên đi việc xây dựng nhân cách, đạo đức cho sinh viên. Một ví dụ thực tế sinh viên đang ngày càng thực dụng hơn là trong học tập có hiện tượng chỉ những môn học nào có lợi cho việc kiểm tra, thi cử hoặc công việc sau này thì các bạn mới đi học đầy đủ. Một số môn rất cần cho việc tu dưỡng đạo đức nhưng không ứng dụng nhiều trong cuộc sống thì các bạn cúp cua hoặc nhờ bạn bè điểm danh hộ, cá biệt có trường hợp thuê người đi học khi bị giảng viên làm gắt.

Nói chung, so với các thế hệ đi trước, sinh viên ngày nay đang được tạo một môi trường thuận lợi để tự do phát triển, tự khẳng định và thể hiện mình. Đó cũng là điều tốt vì nó là biểu hiện của một xã hội tiến bộ nhưng điều cốt lõi là sinh viên được tự do nhưng không bị giám sát, không được định hướng và chính điều đó làm họ sa ngã.

Tôi đề xuất một số giải pháp như sau: Thứ nhất, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Việc này có thể thực hiện bằng cách làm một quyển sổ theo dõi quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên, cần sử dụng công nghệ thông tin trong công tác này.

Thứ hai, về phía trường đại học và Bộ GD&ĐT nên tổ chức những buổi giao lưu trực tuyến với sinh viên để họ bày tỏ bức xúc và đưa ra ý kiến với nhà trường. Việc giao lưu trực tuyến này hiệu quả hơn nhiều so với việc tổ chức đối thoại trong hội trường. Nó giúp sinh viên thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân chứ không chỉ “tuyên dương cái tốt, phê phán cái xấu” kiểu như các buổi hội nghị hình thức.

Một số biện pháp khác có thể thực hiện như thành lập tổ tư vấn sinh viên hoặc trung tâm tư vấn như chúng tôi từng làm. Đây cũng là mô hình mà tôi học được trong chuyến đi thực tế công tác sinh viên ở Pháp vừa qua. Bên ấy, người ta rất coi trọng công tác tư vấn, họ thành lập những đơn vị tư vấn với chuyên gia từ đủ mọi lĩnh vực (tâm sinh lý, giáo dục giới tính, việc làm...) và xây dựng những trung tâm tư vấn khổng lồ với đầy đủ tiện nghi chỉ để tư vấn cho sinh viên.

Ông Võ Tấn Thông, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM:

Phải giáo dục từ từ...

Nghiên cứu về hành vi đạo đức của SV: Quên đào tạo nhân cách cho SV! ảnh 3Khi đánh giá về đạo đức cần phải xét xem đối tượng là ai, ở thời điểm nào và dựa trên quan điểm nào. Vì vậy, đừng đánh giá qua một sự việc mà nói sinh viên vô đạo đức. Có một điều cần lưu ý là giới hạn nghiên cứu ở đây là 874 sinh viên, trong khi số lượng sinh viên ở thành phố hiện nay lớn hơn rất nhiều.

Tôi không phản đối ý kiến ăn mặc góp phần tạo nên phong cách. Nhưng các bạn cũng không nên ăn mặc quá lòe loẹt khi đến giảng đường. Như thế nào là nói xấu giảng viên? Thực sự, đối với một giảng viên cần có rất nhiều yếu tố như năng lực, trình độ sư phạm, cách truyền đạt... Một sinh viên có thể được học rất nhiều giảng viên, thậm chí ở cùng một môn học họ cũng có thể được truyền đạt bởi nhiều giảng viên. Không lẽ khi họ đưa ra nhận xét người này dạy không hay bằng người kia... thì đó là nói xấu? Đôi khi họ đang phản ánh đúng sự thật đó chứ!

Rất khó để tác động đến vấn đề đạo đức, chỉ có thể giáo dục từ từ và phải có sự hỗ trợ. Có những vấn đề thuộc về thuần phong mỹ tục, điều quan trọng nhất là làm các bạn sinh viên hiểu vấn đề và tự điều chỉnh lấy mình...

ANH THƯ - QUANG DUY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm