Sổ tay:

Người thầy 'độc nhất vô nhị', học trò 'nhất nhất không nhì'

 Thầy Nguyễn Đức Thạch cùng lá cờ tổ quốc lên đỉnh Phanxipan. 

Thầy là người quyết định đến cuộc đời, số phận của tôi: từ chuyện dạy dỗ tôi nên người và cả chuyện mang vợ đến cho tôi.

Thầy là ông giáo nghèo, tiền bạc sống hôm nay chưa cần biết ngày mai nhưng ông luôn là người đầu tiên bỏ tiền ra quyên góp rồi kêu gọi học trò, bạn bè giúp đỡ cho một học sinh bị tai nạn, hoàn cảnh đáng thương, cảnh đời vượt khó, ...

Ông cũng sẵn sàng cưu mang (đúng nghĩa đen) những thằng học trò lông nhông, khó khăn, tuổi nổi loạn... về ở nhà của mình để dạy dỗ, cảm hóa bằng cả tình thương và hầu bao còm cõi của ông.

Ông truyền cho chúng tôi cái tâm, lửa yêu nghề (dù làm bất cứ nghề nào). Mặc dù không được nhà trường cho cơ chế hay hỗ trợ gì ông vẫn tự mình "ngó giò, ngó cẳng" xem đứa học sinh nào có tư chất thì kêu đến nhà đào tạo riêng để dự thi các kỳ học sinh giỏi quốc gia, Olympic, đường lên đỉnh Olympia. Học trò ông đã có gần chục đứa thi đường lên đỉnh Oympia, trong đó hầu hết là ông tự bỏ tiền đi thi cùng với trò tại Hà Nội. Trong đó có học sinh Bảo Lộc đã đem cầu truyển hình về tỉnh Ninh Thuận trong trận chung kết đường lên đỉnh Oympia.

Ông dạy cho chúng tôi từng việc nhỏ nhặt nhất: cách pha trà, pha cà phê cho đúng cách, cách rót, mời trà, rượu cho người lớn như thế nào,...

Những đêm trăng sáng, ông kêu học trò đi mua ít trầm về đốt, nhà tắt hết đèn, cùng ngồi bên ấm trà thơm, nghe hương quỳnh trong vườn vừa chớm nở...

Ông nhỏ con và gầy. Hai bên sườn giắt đầy dao găm (cách nói vui của lũ học trò về về ngoại hình của ông). Có thằng học trò 18 tuổi là "đầu gấu" trong trường với nhiều thành tích bất hảo, đâm chém bạn bè thương tích, chửi mắng dọa đánh, thầy cô... Vậy mà thầy thấy thằng học trò đó đứng chửi và đòi đánh bác cai trường (đã ngoài 60 tuổi) thì ông lao đến tát thằng đó mấy cái. Nhưng lạ sao thằng học trò ngỗ nghịch đó nhìn ánh mắt của thầy lúc đó lại quay đầu bỏ chạy.

Ông còn dạy cho chúng tôi sống khiêm nhường nhưng phải biết đấu tranh với cái xấu, cái ác, bất công. Ông nói với tôi: "mình sống có thể có người ghét nhưng không để ai khinh...". Ông đi dạy gần 20 năm, học trò ông nhiều thế hệ, có đứa thành công, có đứa thất bại, có người hạnh phúc, có người gặp vận đen... nhưng ông đều nhớ. Có đứa học trò biếu ông bức thư pháp có bốn chữ "AN BẦN LẠC ĐẠO", ông rất quý, treo trang trọng giữa nhà...

Vợ của tôi bây giờ , cũng là học trò của ông. Hồi đó ông bảo với vợ tôi "thằng Nhân nó tìm mày có việc gì đó", tương tự với tôi "con Hân nó tìm mày có việc gì đó". Khi gặp, chúng tôi đều thắc mắc là "có việc gì đâu", rồi chúng tôi nói chuyện với nhau và rồi "cũng có việc gì đó"… Ông được cái duyên mai mối mát tay. Cứ ông ghép cặp nào là họ yêu nhau ngay. Rồi sau đó chừng 3- 6 tháng thế nào cặp đó cũng ... chia tay.

Tôi và vợ tôi là cặp duy nhất đến lúc này thành công. Ngày cưới chúng tôi, ông đến dự, cười sảng khoái "chỉ có hai đứa mày sướng mà nhiều người tốn tiền...". Trên bao thư mừng ông chỉ ghi ba chữ "miêu bất tọa". Vợ tôi thắc mắc về chủ nhân bao thư, nhưng tôi nhìn thì biết ngay đó là thầy.

Bao nhiêu lứa học trò đã trưởng thành, có gia đình nhưng riêng ông vẫn vui với cuộc sống tự do. Cứ mỗi năm, dịp nghỉ hè là ông lại gom hết tiền để dành, xách ba lô cùng chiếc xe máy rong ruổi đến nhiều miền đất : cực bắc, cực đông, cực nam, cực tây, đỉnh Phanxipan,... Ông nói "đất nước mình đẹp lắm!".

Cái xe máy biển số -2011 của ông mà ông cố gắng bằng mọi cách tìm bằng được. Ông giải thích đó là con số ngày nhà giáo. Khi đọc ngược biển số xe lại là nhà giáo độc nhất vô nhị, đào tạo ra học trò nhất nhất không nhì.

Hầu hết học trò vẫn gọi ông là bố Thạch - Thạch Lão Gia. Những dịp lễ, tết học trò dẫn vợ, chồng, con cái tề tựu Thạch Gia Trang. Những dịp ấy ông cười sảng khoái, nồng hậu nhìn con cháu Thạch Gia Trang đã trưởng thành...
Chúc mừng bố - thầy Nguyễn Đức Thạch ngày 20-11.

(*) Bài viết là cảm nhận riêng của tác giả đã gửi về cho PLO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm