Người thầy làm khoa học cần có lòng tự trọng!

Người thầy làm khoa học cần có lòng tự trọng! ảnh 1
“Tinh vi thì “luộc” từng chương, còn mức độ thô thiển thì “luộc” nguyên si, bê nguyên nội dung của người ta làm sách của mình. Vấn đề ở đây không chỉ sai phạm về pháp lý mà còn là đạo đức nhà giáo”. GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), người bị “luộc” sách, đã nói trước tình trạng “luộc” sách phổ biến như hiện nay.

Tôi cho rằng vấn nạn “luộc” sách, “ăn cắp” kiến thức làm luận án trong giới giáo sư, tiến sĩ nói riêng và các trường đại học nói chung là rất phổ biến, không thể kiểm soát được và đang trở thành “dịch bệnh” trong giáo dục đại học. Vấn nạn này sẽ đào tạo ra những tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư “rút ruột” khoa học và sau này họ sẽ thăng quan tiến chức rồi ra “rút ruột” nhà nước. Vì nếu như trong khoa học họ đã “rút ruột” được thì đối với cơ chế nhà nước còn lỏng lẻo, họ sẽ “rút ruột” càng dễ dàng hơn.

Trong điều kiện hiện nay, thông tin khoa học được phổ biến tràn lan, chỉ cần lên mạng là có được những thông tin cần thiết cho nghiên cứu khoa học. Chính vì thế người thầy làm khoa học cần có lòng tự trọng.

Khoa học không chấp nhận “ăn cắp”

Trường hợp PGS-TS Phan Thị Cúc, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (đã “luộc” hai cuốn sách của tôi và Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) là một minh chứng. Nên nhớ, trưởng khoa không phải là chức danh mà là người đứng đầu ngành, bộ môn khoa học mà khoa học thì không chấp nhận “ăn cắp”. Khi tôi phát hiện ra điều này tôi thật sự chán nản và buồn. Người thầy phải chứng minh bằng con người thực của mình, phải hy sinh. Còn không thì không thể làm thầy được.

Người thầy làm khoa học cần có lòng tự trọng! ảnh 2

Sản phẩm sách “luộc” do PGS-TS Phan Thị Cúc (Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) và các tiến sĩ, thạc sĩ khác biên soạn.

Người thầy còn dặn mình không được làm sai, cho dù người thầy nào cũng có thể mắc sai lầm. Nhưng phản ứng của người thầy phải khác với người quan làm thầy. Hiện nay, do thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy, các trường đại học thu nhận vô tội vạ những “thầy” từ các doanh nghiệp, công ty, quan chức từ các bộ, ngành cũng chuyển sang làm “thầy”. Như vậy phản xạ trong tình huống đòi hỏi của một người thầy chân chính “thầy từ trong trứng nước” được đào tạo sư phạm bài bản đặt lên trên tất cả với lòng tự trọng rất khác xa so với những người “thầy” thiếu chuẩn.

Tấm gương của người thầy và đạo đức của người thầy đang xuống cấp trầm trọng. Người thầy bây giờ chạy theo vật chất nhiều quá. Nếu ca sĩ chạy sô một đêm năm, bảy tụ điểm, hát mệt nhoài thì người thầy chạy đi dạy nhiều sô hết hơi, giảng không hết bài, không truyền thụ hết kiến thức... Dù họ thu nhập chân chính bằng công sức lao động nhưng trong mắt học trò thì vị trí người thầy bị giảm xuống.

Tìm đâu người “thầy trong trứng nước”?

Tôi tha thiết đề nghị chiến lược phát triển giáo dục đại học hãy bỏ qua tính định lượng với những chủ trương như “phải đào tạo 20.000 tiến sĩ”. Vì để làm được điều này phải lập ra đến 2.000 hội đồng khoa học thẩm định luận án tiến sĩ thì làm sao làm nổi. Mà khi không làm nổi thì buộc họ phải đi “luộc”, “ăn cắp” kiến thức của nhau.

TRƯƠNG HIỆU ghi

Tuy nhiên, yêu cầu với người thầy không chỉ nghĩ mà còn phải nói ra được thước đo chuẩn mực khoa học, chuẩn mực sống. Khi nhận cán bộ giảng viên trẻ vào giảng dạy tại khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chúng tôi đòi hỏi họ phải viết cam kết rằng chỉ suy nghĩ cho giáo dục phát triển, chỉ “làm thầy” chứ không “làm giàu”. Đất nước chúng ta nghèo không phải vì chiến tranh, vì quản lý kém mà là vì đạo đức của người thầy, của giới trí thức, lãnh đạo. Chỉ có người đạo đức mới sử dụng ngân sách tiết kiệm, trọng dụng người tài, vì mục đích chung chứ không vì lợi ích cá nhân.

Hiện nay, đội ngũ giảng dạy đại học rất thiếu tố chất của người “thầy từ trong trứng nước”. Cả nước hiện có trên 450 trường đại học, cao đẳng, có những trường chỉ cần nghe cái tên là người ta... té ngửa. Trong khi lượng sinh viên tăng lên quá mức trong điều kiện thiếu thầy giảng dạy thì tìm đâu ra những người “thầy trong trứng nước”. Sự phát triển đại học tràn lan này là thủ phạm chính dẫn đến “đại dịch luộc” kiến thức của nhau. Nói chung, chiến lược giáo dục đại học phát triển theo chiều rộng, thiếu chiều sâu như vậy là có vấn đề, cần xem lại.

Nên nhớ tiến sĩ là người sáng tạo, phát hiện ra cái mới. Làm sao kiểm soát được trong khi lực lượng giáo sư đầu ngành còn quá ít? Bộ GD&ĐT lấy số lượng làm chuẩn là không ổn. Muốn một năm có bao nhiêu tiến sĩ cho ra lò thì buộc phải “rút ruột” khoa học thôi. Đơn giản chỉ chuyện viết sách đã “rút ruột” rồi thì làm sao đòi hỏi đội ngũ này sáng tạo ra cái mới hơn được!

Mời bạn đọc góp ý xây dựng đạo đức nhà giáo

Loạt bài Giáo sư, tiến sĩ...“luộc” sách! đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM  (các ngày 11, 12, 13-3) đã gây xôn xao dư luận.

Sinh viên “luộc” sách người khác thành tiểu luận, giảng viên “luộc” giáo trình người khác thành giáo trình của mình. Đặc biệt là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ cũng “luộc” sách, kiến thức của người khác thành công trình khoa học của mình và làm cơ sở thăng tiến học hàm, học vị. Phải chăng sự gian dối trong học thuật, nghiên cứu khoa học của nền giáo dục đại học đang trở thành vấn nạn nhức nhối? Đâu là nguồn gốc phát sinh nên vấn nạn này? Phải chăng chiến lược đào tạo đại học với những trọng trách đạo đức của người thầy đang có vấn đề? Giải pháp mang lại ý nghĩa cao đẹp và vị trí hàng đầu của sự nghiệp giáo dục nước nhà?

Chuyên đề “Vấn nạn “luộc” sách - Đạo đức nhà giáo” báo Pháp Luật TP.HCM mong đón nhận được nhiều thông tin, ý kiến của bạn đọc gần xa. Mời bạn đọc gửi thư về báo Pháp Luật TP.HCM: 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM (ngoài bì thư ghi gửi “Chuyên đề “Vấn nạn “luộc” sách - Đạo đức nhà giáo””); hoặc email:baophapluattp@phapluattp.vn.

GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm