'Nhấn đầu trẻ vô xô nước, xử 3 năm tù nhẹ quá'

Đó là những lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Kim Huệ, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú tại phiên tòa giả định với chuyên đề phòng, chống bạo lực trẻ em được tổ chức vào sáng 23-12 tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Tân Phú.

Phiên tòa giả định về phòng, chống bạo hành trẻ em diễn ra sáng 23-12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phiên tòa giả định đã thu hút gần 300 giáo viên công tác tại các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn quận Tân Phú tham gia. Phiên tòa do Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp cùng TAND, phòng Giáo dục quận Tân Phú tổ chức.

Nhấn đầu trẻ xuống xô nước

Nội dung vụ án xoay quanh câu chuyện của hai bảo mẫu ở một trường mầm non tự phát trên địa bàn quận Tân Phú có hành động bạo hành trẻ. Do trong lớp có một số bé biếng ăn, thay vì dỗ dành trẻ, hai bảo mẫu đã liên tục dùng bạo lực để ép trẻ ăn. Hai người này liên tục đánh đập, tát vào người, nhấn đầu các bé nhỏ vào thùng nước dọa nạt, bóp cổ. Những hàng động tàn bạo của hai bảo mẫu đã được người hàng xóm phát hiện, quay video lại để tố giác với cơ quan chức năng.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo ba năm tù giam về tội hành hạ người khác đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại, mỗi hộ 20.000.000 đồng.

Gần 300 giáo viên các trường mầm non công lập, ngoài công lập, nhóm trẻ tham dự phiên tòa giả đinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho biết mức án VKS đưa ra là mức án cao nhất của khung hình phạt. Trong khi các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ tội như thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên đề nghị HĐXX giảm nhẹ. Còn về phần dân sự, yêu cầu bồi thường về tinh thần, thu nhập quá cao, đề nghị HĐXX giảm nhẹ.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em. Mặc dù, các bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải nhưng xét về hậu quả mà các bị cáo gây ra ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của các cháu. Vì thế, HĐXX quyết định xử phạt hai bị cáo ba năm tù giam, buộc hai bị cáo phải bồi thường cho bị hại mỗi người 20.000.000 đồng.

Tăng mức phạt đối với hành vi đánh đập trẻ?

Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều vấn đề thắc mắc liên quan đến câu chuyện giả định đã được giáo viên chia sẻ.

Liên quan đến câu hỏi của cô Kim Huệ, luật sư Phạm Thị Bạch Huệ chia sẻ đây là mức án cao nhất. Mặc dù các bị cáo đã có tình tiết giảm nhẹ như khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng xét về hậu quả mà các bị cáo gây ra ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của các cháu và gia đình; ảnh hưởng xấu đến công tác giáo dục mầm non, giảm uy tín công tác quản lý nhà nước đối với công tác giáo dục nên không thể giảm nhẹ mà cần phải áp dụng ở mức án cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù giam để có tác dụng giáo dục riêng và ngăn ngừa chung.

2 bị cáo tại phiên tòa giả định. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cùng suy nghĩ, cô Trần Thị Hồng Liến, chủ của nhóm lớp Nắng Hồng, quận Tân Phú, nói: “Mức phạt như thế chưa đủ răn đe. Nếu những hành vi ngược đãi trẻ em của chủ trường và bảo mẫu ở Trường Mầm Xanh sắp tới là ba năm tù thì tôi sẽ không bao giờ đồng ý. Bởi hành động lấy dao gí vào cổ bé, rồi lấy bình đập lên đầu trẻ, không thể nào chấp nhận được. Một sự việc quá đau lòng”, cô Liến tâm sự.

Cũng theo cô Liến, là chủ trường đồng thời mẹ của ba đứa con nên cô luôn quán triệt đội ngũ từ trên xuống dưới phải biết yêu thương trẻ. Thế nhưng từ vụ việc của lớp mầm non Mầm Xanh ở quận 12, toàn quận Tân Phú tiến hành tổng kiểm tra đột xuất tất cả các trường từ công an, y tế, các phường. Đúng là “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Trường Mầm non Phượng Hồng, phường Phú Trung, quận Tân Phú, cho hay từ sự việc Mầm Xanh, nhiều giáo viên mầm non làm nghề chân chính đã bị ảnh hưởng. “Vì thế, tôi đề nghị cần có một có một cơ chế bảo vệ giáo viên mầm non. Và đặc biệt, học trò giờ rất thông minh. Bố mẹ muốn biết con ở trường như thế nào có thể về hỏi các cháu. Chứ không nên vì một con sâu mà xã hội lại có cái nhìn tiêu cực đến công việc của chúng tôi”, cô Thanh nhấn mạnh.

Bị cáo lắng nghe câu hỏi của HĐXX. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bàn về vấn đề trên, luật sư Bạch Huệ nhấn mạnh: “Con sâu làm rầu nồi canh”. Thế nhưng chúng ta là nồi canh chứ không phải là con sâu. Cho nên chúng ta hãy cá biệt và cô lập con sâu đó ra khỏi ngành. Đó là trách nhiệm của toàn ngành giáo dục”.

Đề cập đến vấn đề trên, bà Trương Hồng Phượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết phòng luôn giáo dục đạo đức cho các thầy cô giáo trong dịp hè cũng như trong những dịp sinh hoạt chuyên môn. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề cho giáo viên. Sau sự việc ở Mầm Xanh, trên địa bàn quận đã diễn ra đợt tổng kiểm tra tất cả các trường từ công lập, ngoài công lập đến các nhóm trẻ gia đình. Đặc biệt, Phòng đã phối hợp với tòa án quận tổ chức phiên tòa giả định hôm nay với mục đích tuyên truyền pháp luật đến giáo viên trong ngành mầm non. “Tại quận Tân Phú, tất cả các cơ sở đều được cấp phép, bên cạnh đó phòng còn phối hợp với UBND phường, tổ chức đoàn thể để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những đơn vị không có phép hoạt động trên địa bàn. Cấp phép nghiêm túc, kiểm tra thường xuyên sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực”, bà Phượng nói.

Một số hình ảnh tại phiên tòa: 

Bị cáo trả lời câu hỏi của HĐXX. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Mọi người chăm chú lắng nghe phiên tòa giả định. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

HĐXX đặt những câu hỏi cho bị cáo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Một giáo viên đặt câu hỏi cho các luật sư. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Luật sư giải đáp những thắc mắc của giáo viên liên quan đến câu chuyện giả định tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm