Nhận định về cách đánh vần lạ theo 'công nghệ giáo dục'

LTS: Những ngày gần đây, mạng xã hội liên tục lan truyền clip một giáo viên hướng dẫn cách phát âm tiếng Việt rất lạ theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục. Theo đó, chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ” và thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”…

Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu ý kiến của PGS-TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TRANG, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM như sau:

Mấy hôm nay bạn bè và cả học trò tôi liên tục nhắn tin cho tôi hỏi về cách đánh vần mới mà họ vừa xem trên clip được chia sẻ nhiều trên mạng. Tất cả đều chung một cảm giác hoang mang, lo lắng nếu cách đánh vần mới này được áp dụng cho lớp 1 bậc tiểu học trong năm học sắp tới.

Từ góc nhìn của phụ huynh, những người có con em sắp bước vào lớp 1, tôi có thể hiểu được những hoang mang lo lắng đó, khi “bỗng nhiên” lại “nảy ra” một kiểu đánh vần khác với những gì quen thuộc trước đây đối với nhiều thế hệ học sinh. 

Quan sát cách đánh vần được hướng dẫn ở clip nói trên, tôi cũng phần nào hiểu được lý do lựa chọn của tác giả cách đánh vần này. Đây là câu chuyện liên quan đến mối quan hệ giữa âm và chữ. Các chữ cái “c”, “k”, “q” trong tiếng Việt là ba cách ghi khác nhau của âm /k/ (phát âm là “cờ “), do đó mặc dù chữ viết là khác nhau nhưng âm đọc là một. Nếu đã là một thì khi đánh vần đều phải là /k/ - (cờ). (Với cách này, thì “d” và “gi” hẳn sẽ phải được phát âm là “dờ” khi đánh vần cho nhất quán).

Cách làm này bắt người học, người dạy và cả phụ huynh phải đối mặt với những khái niệm ngữ âm học, âm vị học tiếng Việt xa lạ và khó hiểu.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Trang

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách làm này bắt người học, người dạy và cả phụ huynh phải đối mặt với những khái niệm ngữ âm học, âm vị học tiếng Việt xa lạ và khó hiểu. Theo đó, “ua” trong “cua”, và “ua” trong “qua” sẽ được đánh vần khác nhau vì một “ua” là âm chính, còn một “ua” thì gồm âm đệm và âm chính!

Những khái niệm âm vị học như âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối (thuộc cấu trúc âm tiết tiếng Việt) có nhất thiết phải bắt học sinh lớp 1 phải hiểu phải nhớ không? Theo chúng tôi là không cần thiết, là làm phức tạp hóa nhiệm vụ nhớ mặt chữ và đánh vần thành tiếng của bậc học có tính chất “vỡ lòng” này.

Những khái niệm chuyên sâu kể trên có thể được tìm hiểu ở bậc cao hơn (thậm chí là đợi đến bậc đại học), hà tất làm nặng nề bài tập đánh vần của học trò lớp 1.

Cách đánh vần quen thuộc như xưa nay, dẫu có một vài chỗ chưa nhất quán, song vẫn tỏ ra là một phương cách hiệu quả và cũng không phương hại gì đến nhận thức của các cháu, khi học tập là một quá trình dài lâu, trải qua nhiều bước, nhiều bậc học mà theo đó kiến thức sẽ được bổ sung và bồi đắp vào lúc thích hợp.

Đã có 49 tỉnh, thành áp dụng "công nghệ giáo dục"

Đoạn clip sau khi được đăng tải ít giờ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận trái chiều về cách đánh vần không giống với cách thông thường mà các phụ huynh từng được học.

Nhận định về cách đánh vần lạ theo 'công nghệ giáo dục' ảnh 2
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 (3 tập) theo "Công nghệ giáo dục"

Những cách đánh vần này được hướng dẫn trong tài liệu Tiếng Việt "Công nghệ Giáo dục" lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành).

Theo cha đẻ của tài liệu này - GS Hồ Ngọc Đại, giải pháp "công nghệ giáo dục" này rất hữu ích và được triển khai từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác. Từ năm 1985, chương trình này đã triển khai mở rộng ra 20 tỉnh, đến năm 2000 có 43 tỉnh, thành. Đến năm nay có 49 tỉnh với hơn 800.000 học sinh theo học.

GS Hồ Ngọc Đại nói theo yêu cầu giáo dục, đối với học sinh khi học hết lớp 1 cần phải đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả tiếng Việt, không thể tái mù chữ. Việc dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 "Công nghệ giáo dục" sẽ giải quyết triệt để, giúp học sinh lớp 1 có thể thực hiện toàn bộ yêu cầu trên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm