Những bông hoa nghề giáo ngát hương

Sáng 13-11, công đoàn ngành giáo dục TP.HCM tổ chức buổi giao lưu “Trái tim người thầy” nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tiếp nối giấc mơ còn dang dở của cha

Câu chuyện của cô Phạm Thị Thanh Nhung, giáo viên Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn, chia sẻ về lý do chọn nghề sư phạm khiến cả khán phòng lặng đi vì xúc động.

Cô Nhung cho biết cô chọn nghề giáo xuất phát từ tình yêu, từ sự thần tượng những người thầy đã dạy từ thời phổ thông. Họ luôn mẫu mực, chân tình và yêu thương học trò. Chính điều đó khiến cô nghĩ sư phạm là một nghề cao quý và bản thân phải theo đuổi đến cùng.

“Tuy nhiên, lý do thôi thúc tôi đến với nghề giáo là muốn tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở của cha” - cô Nhung nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe, rớm lệ.

Cô Nhung thổn thức: “Ngày xưa cha tôi rất thích nghề sư phạm. Cha đã học tới năm thứ hai khoa ngữ văn. Nếu may mắn và thuận lợi, cha đã trở thành thầy giáo… Thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cha không thể tiếp tục con đường học vấn. Cha phải giã từ giảng đường và làm một người nông dân để lo cho gia đình. Vì thế, khi còn nhỏ tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng học để đi tiếp con đường mà cha đã chọn lựa”.

Nhắc đến cha, ánh mắt cô Nhung lấp lánh yêu thương. “Khi trở thành giáo viên, gặp những khó khăn trong công việc chính cha là người cho tôi lời khuyên bổ ích. Đặc biệt, khi tôi tham gia các cuộc thi, cha luôn lắng nghe và góp ý cách thực hiện. Cha luôn đồng hành cùng tôi trong mỗi cuộc thi. Tôi hạnh phúc vì điều đó” - cô Nhung bày tỏ.

Là người có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Nhung cho biết để làm tốt nhiệm vụ này, giáo viên không những giỏi chuyên môn mà còn biết lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm đến cuộc sống của từng học sinh.

“Năm tôi chủ nhiệm lớp 7, có một học sinh trong lớp thường không tập trung. Trong giờ học, em cứ thẫn thờ, thậm chí gục xuống bàn. Tôi tới hỏi chuyện em chỉ im lặng. Gọi điện thoại cho phụ huynh để trao đổi, họ lại từ chối vì không có thời gian. Không bỏ cuộc, tôi tìm đến tận nhà em. Tới nơi tôi mới biết cha mẹ em vừa ly hôn, em sống với mẹ cùng em gái. Hiểu được hoàn cảnh, tôi thường dành thời gian trò chuyện động viên em. Tôi cũng nói với các bạn trong lớp quan tâm đến em hơn. Nhờ vậy em dần xóa bỏ sự tự ti mặc cảm, cố gắng học tập. Cuối năm em đạt học sinh giỏi” - cô Nhung nhớ lại.

Trước câu hỏi điều gì khiến cô hạnh phúc nhất khi làm nghề giáo, cô Nhung đáp: “Đó là vào dịp 20-11, các học trò cũ về thăm trường, chạy đến ôm lấy tôi, kể say sưa về quá trình học ở môi trường mới. Nhìn thấy học trò tiến bộ, tôi thấy vui vô cùng”.

Các thầy cô giáo nhận hoa chúc mừng sau khi tham dự tọa đàm tại chương trình “Trái tim người thầy”. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên Trường Mầm non Long Trường, quận 9, trong chương trình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô giáo có biệt tài dạy học trò “đặc biệt”

Tại buổi giao lưu, những lời chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên Trường Mầm non Long Trường, quận 9, trong việc dạy các trẻ mầm non cũng khiến nhiều người thán phục.

Theo cô Phượng, đối với giáo viên mầm non, cái tâm phải đi trước cái tài. Bởi khi có tâm, người thầy sẽ muốn làm tất cả vì học sinh thân yêu của mình, từ đó nỗ lực trong giảng dạy. Khi có tâm, người thầy sẽ biết để ý, quan tâm đến trẻ, cố gắng tìm mọi biện pháp để giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng và phát triển mỗi ngày.

Buổi giao lưu đã tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi tiêu biểu của TP.HCM, những tấm gương luôn nỗ lực hết mình vì nghề cao quý. 

Nhắc đến một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, cô Phượng kể về trường hợp cậu học trò “đặc biệt” của mình bị chứng tự kỷ tăng động.

“Khi tôi nhận lớp, nhiều đồng nghiệp thương cảm còn cảnh báo với tôi em đó khó dạy, hay quậy phá trong lớp. Nghe thấy thế tôi cũng hơi sợ nhưng quyết tâm không bỏ cuộc” - cô Phượng nói.

Những ngày đầu bé không nói chuyện với ai, thường đánh bạn bè, cào cấu cô. Cô giáo trẻ tìm cách dỗ ngọt, chiều chuộng mọi yêu cầu của cậu bé nhưng kèm theo điều kiện “Mỗi ngày phải nói chuyện với cô”. Cứ thế, hai cô trò ngày càng thân thiết với nhau.

“Để bé hòa nhập với mọi người, tôi dẫn bé đi chơi cùng đám trẻ, dỗ dành các em hôm nay bạn rất ngoan, không còn đánh nữa để chúng chơi cùng” - cô Phượng kể lại.

Và cứ thế, em dần tiến bộ, biết chơi với bạn. Mẹ cũng khoe là về nhà bé ngoan hơn, biết phụ mẹ, thích thú với việc học. “Cuối năm em được lên nhận thưởng trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Mẹ em đã chạy đến ôm tôi và khóc. Vì bà nghĩ rằng con mình sẽ phải học trường chuyên biệt khi vào cấp 1. Nhưng bằng tình yêu, sự dạy dỗ của tôi, em đã tiến bộ rõ rệt. Năm nay em đã học lớp 7 và học rất khá” - cô Phượng cười bảo.

Trao động lực cũng quan trọng như trao kiến thức

Khi đang là học sinh lớp 7, tôi học toán rất bình thường nhưng trong một lần được cô nhận xét “Em có những tố chất rất thông minh” đã khiến tôi thay đổi. Nghe lời nói đó, tôi sung sướng, về nhà cố gắng tìm tòi đọc sách. Làm xong một bài toán tôi không dừng lại mà còn tìm nhiều cách giải khác nhau. Đó chính là bước ngoặt khiến tôi đam mê với môn toán.

Nhắc đến trường hợp của mình, tôi muốn nói rằng việc giáo viên trao động lực, trao yêu thương cho học sinh cũng quan trọng như trao kiến thức. Vì thế, tôi mong rằng ngoài việc cung cấp kiến thức, mỗi người thầy hãy luôn động viên, khích lệ học sinh dù là việc nhỏ nhất.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾUPhó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm