Phát triển trường chuyên: Tạo bất công và học lệch

Với đề án phát triển trường chuyên với mức đầu tư trên 2.300 tỉ đồng, liệu có phải là Bộ đang thiết kế một nền giáo dục ưu tiên cho học sinh giỏi và bỏ mặc học sinh không giỏi? Trường chuyên liệu có tác dụng tích cực gì cho nền giáo dục hay chỉ tạo ra tình trạng học lệch và sức ép cạnh tranh? Tốt nhất, chỉ nên bồi dưỡng lớp năng khiếu và dành số tiền trên để đầu tư cho những trường vì thiếu phòng học, thiếu nhà công vụ nên chất lượng học tập và thi cử bị ảnh hưởng. Đó là ý kiến của các chuyên gia về đề án phát triển trường chuyên.

GS NGUYỄN XUÂN HÃN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia: 

Ưu ái cho trường chuyên là phản giáo dục

Phát triển trường chuyên: Tạo bất công và học lệch ảnh 1
Dường như chúng ta đang bước vào lối mòn của nước Pháp mà họ đã mắc phải từ những năm trước. Ở đó, việc phân chia các em học sinh (HS) giỏi thành lớp riêng đã dẫn đến tình trạng tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn. Các trường học thì loay hoay không thể bố trí thời khóa biểu cho HS do các ban quá nhiều và rối rắm. Có những trường HS đăng ký học ban này nhưng vì không đủ số lượng để thành lập một lớp, đành chuyển sang học ban khác hoặc phải chuyển trường, gây sự rối loạn. Việc ra đề, làm bài thi phân ban và không phân ban cũng rắc rối và tốn kém.

Tôi cũng còn nhớ từ năm 1993, nhà nước đã phải bỏ ra gần 700 tỉ đồng, và khoảng 200.000 HS được mang ra “thí điểm” trong ba năm tại chương trình THPT được chia thành ba ban: Ban A (ban tự nhiên), ban C (ban xã hội) và ban B (ban kỹ thuật). Song phân ban đã bị xóa khi Luật Giáo dục được thông qua tháng 12-1998. Luật đã đưa nền giáo dục trở lại quỹ đạo truyền thống. Năm 2002, phân ban lại được khôi phục. Lần này chỉ có hai ban A và C. Năm 2003, phân ban gặp sự cố do thực tiễn trái với dự kiến của Bộ: Dự kiến ban A sẽ có 60% HS, còn ban C: 40%. Thực tế ban A: 90%, ban C: khoảng 10%. Tại những vùng khó khăn có nguyện vọng học một ban với một số môn tự chọn. Điều này cho thấy suốt 15 năm qua, chủ trương phân ban THPT đã ở trong vòng luẩn quẩn, lập rồi lại xóa, xóa xong lại mở, gây nhiều hậu quả. Công bằng là quan trọng nhất trong giáo dục. Việc có trường chuyên không phải là việc làm để khích lệ học sinh. Nếu ta dành ưu ái cho trường chuyên là việc làm phản giáo dục. Không nên tạo ra những học sinh “nhà nòi”.

Theo tôi, mô hình giáo dục của nước Phần Lan được thế giới thừa nhận khá ưu việt hiện nay. Nước bạn xây dựng một nền giáo dục thống nhất toàn quốc, không có trường chuyên, lớp chọn, cùng học theo một chương trình chuẩn. Sau đó, những em nào có năng khiếu sẽ tham gia sinh hoạt thêm tại các câu lạc bộ do trường tổ chức. Tư tưởng chỉ đạo xây dựng một nền giáo dục như Phần Lan - theo ông Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên, đã được Bác Hồ chỉ đạo ngay khi nước nhà giành độc lập năm 1945.

Phát triển trường chuyên: Tạo bất công và học lệch ảnh 2

Hầu hết phụ huynh muốn con em mình vào trường chuyên vì có chất lượng đào tạo tốt hơn. Ảnh: HTD

Các nhà giáo dục Việt Nam cũng nên trông người mà ngẫm đến ta. Liệu có thể tránh được tình trạng thiết kế một nền giáo dục cho học sinh giỏi và bỏ mặc học sinh không giỏi không?

GS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội):

Đừng tạo ra những đứa con “què quặt”

Phát triển trường chuyên: Tạo bất công và học lệch ảnh 3
Thế nào là một trường chuyên? Mấy chục năm gắn bó với ngành giáo dục, tôi cũng không hiểu khái niệm này. Tôi cũng chưa biết được là có khác gì trường phổ thông không.

Tôi đã đọc rất kỹ nội dung đề án này và cũng thấy rằng trường chuyên và trường phổ thông là hai mẫu trường hoàn toàn khác nhau. Tại sao ngành giáo dục lại tách bạch hai loại hình này? Ngoài ra, yêu cầu phấn đấu để trường chuyên đạt tiêu chuẩn như các trường quốc tế mà đề án đưa ra cũng rất khó hiểu vì theo tôi biết, nhiều nước trên thế giới không có trường chuyên. Vậy thì chương trình đào tạo của trường chuyên sẽ lấy gì làm chuẩn và sẽ có kết quả như thế nào đây?

Trong giáo dục phổ thông hiện nay có ba khối phát triển học sinh năng khiếu là ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Thế mà trường chuyên lại chỉ có tập trung một môn chuyên, liệu có cân bằng không? Ví dụ học sinh chuyên toán sẽ chỉ được đào tạo chuyên sâu toán. Các môn còn lại như lý, hóa bị coi là phụ, các em phải học thêm để nắm vững chương trình hơn. Theo tôi, nhà nước bỏ ra hơn 2.300 tỉ đồng để xây dựng những trường sẽ đào tạo ra những đứa con “què quặt, khập khiễng” về kiến thức, có nên không?

Chúng ta đừng tạo ra những đứa con què quặt và tạo thêm sức ép từ phía cha mẹ: “Phải vào bằng được trường chuyên”. Nên chăng chỉ bồi dưỡng lớp năng khiếu và dành số tiền để đầu tư cho những trường vì thiếu phòng học, vì thiếu nhà công vụ nên chất lượng học tập và thi cử bị ảnh hưởng. Hay đầu tư xây dựng thêm những trường mẫu giáo để không còn tình trạng phụ huynh phải thức xếp hàng từ 2-3 giờ sáng.

Năm tác hại của hệ thống trường chuyên

Một là, việc hình thành hệ thống trường chuyên đã tạo ra sự bất công trong giáo dục.

Hai là, sự phân biệt đối xử giữa lớp chuyên, lớp thường trong các trường phổ thông gây tác động tâm lý không tốt. Học sinh trường chuyên tự cao, học sinh lớp thường dễ bị tự ti, mặc cảm. Cả hai hình thái tâm lý này đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, nơi mà học sinh cần có sự tự tin, nhìn nhận đúng về bản thân, khiêm tốn và biết tôn trọng người khác.

Ba là, mô hình đào tạo theo kiểu trường chuyên vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân của căn bệnh thành tích, một căn bệnh trầm trọng của nền giáo dục Việt Nam. Thay vì tập trung nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, người ta tập trung vào việc giành các giải học sinh giỏi và nâng cao tỉ lệ đậu đại học.

Bốn là, gây ra tiêu cực trong giáo dục. Thực tế cho thấy ở hầu hết các địa phương, phụ huynh học sinh tìm mọi cách để xin cho con em mình vào trường chuyên vì các trường này được ưu tiên về ngân sách nên có chất lượng đào tạo tốt hơn. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tiêu cực.

Năm là, gây ra tình trạng học lệch và do đó sẽ cho ra lò những học sinh bị lệch về kiến thức. Học sinh ở trường chuyên ngoài việc được ưu tiên hết mức ở các môn chuyên, các môn còn lại (thường được gọi là môn phụ) coi như được thả lỏng.

NGUYỄN THÀNH NAM,  nghiên cứu sinh vật lý Trường ĐH Grenoble 1, Cộng hòa Pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm