Phú Yên: Tìm hướng giải quyết vụ hàng chục GV mất việc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 13-8, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đang yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết việc hàng chục giáo viên (GV) bị chấm dứt hợp đồng lao động trước thềm năm học mới.

Cuối tuần qua, Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với 51 GV đang giảng dạy tại các trường phổ thông ở địa phương này. Trong những GV bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều người là GV dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, có người đang mang thai, nuôi con nhỏ.

Theo bà Trương Thị Dân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa, việc Phòng GD&ĐT chấm dứt hợp đồng đối với 51 GV trong đợt này là thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện, kết luận của UBND tỉnh. “Trong các năm 2011, 2012, do số lượng học sinh tăng cao nên UBND huyện cho Phòng GD&ĐT hợp đồng thêm GV để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Hiện số học sinh giảm nên thừa GV, đành phải thôi hợp đồng với những GV này” - bà Dân giải thích thêm. Còn ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, nói: “Theo kết luận của Sở Nội vụ và chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tây Hòa phải chấm dứt hợp đồng với những GV hợp đồng có thời hạn này vì vượt số lượng GV theo quy định. Cùng việc cắt giảm 130 biên chế sự nghiệp giáo dục theo lộ trình, huyện cũng phải giải quyết số GV hợp đồng có thời hạn ngoài biên chế”. Đại diện UBND huyện Tây Hòa cũng thừa nhận việc cắt hợp đồng đối với những GV đang mang thai, nuôi con nhỏ trong đợt này là trái quy định pháp luật nhưng huyện vẫn chưa có hướng giải quyết.

Theo tìm hiểu của PV, trước đó nhiều địa phương khác ở Phú Yên thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh đã cắt giảm biên chế hàng loạt GV. Trong đó, huyện Đông Hòa cắt hợp đồng 55 GV, huyện Đồng Xuân 46 GV; các huyện, thị xã, thành phố khác cũng cho thôi hợp đồng 10-20 GV. Tuy nhiên, huyện Đồng Xuân đã ký hợp đồng lại với hầu hết số GV này và phải tự cân đối các nguồn kinh phí để trả lương. “Sở Nội vụ phân bổ chỉ tiêu, số lượng GV theo tính toán cơ học mỗi lớp 45 học sinh là máy móc, không phù hợp với thực tế tại địa phương” - ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, chia sẻ.

Tương tự, huyện Đồng Xuân sau khi thực hiện chấm dứt hợp đồng đối với 55 GV từ cuối năm 2016 đã ký hợp đồng trở lại với hầu hết số GV này. Huyện cân đối lại quỹ lương hoặc lấy nguồn chi khác để trả lương cho GV.

Trước đó, tại phiên họp giải trình về biên chế công chức, viên chức do thường trực HĐND tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, cho biết Sở đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi hàng trăm biên chế GV dôi dư tại các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Đồng Xuân. Theo ông Tiến, trước đó qua thanh tra, Sở Nội vụ phát hiện các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân đã nâng khống số lượng học sinh để nâng chỉ tiêu biên chế GV vượt quy định.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân bức xúc:“Nói như vậy là ép huyện. Nếu cứ lấy số lượng học sinh để phân bổ GV theo định biên mỗi lớp 45 cháu là bất hợp lý, không thể thực hiện. Thực tế cũng có tình trạng thừa cục bộ GV nhưng nhiều nơi lại thiếu nên huyện phải bố trí hài hòa. Còn việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung thì phải thực hiện từng bước, nhất là đối với số GV hết tuổi làm việc theo quy định”.

Tại phiên họp giải trình trên, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT, cũng đồng tình quan điểm với lãnh đạo các huyện. “Cứ khăng khăng phải đủ bao nhiêu học sinh thì mới được bấy nhiêu biên chế là không ổn. Làm như thế là ép ngành giáo dục”.

Kết luận tại phiên giải trình, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu phải kiểm tra thực tế, không thể căn cứ số lượng học sinh để áp chỉ tiêu biên chế GV. Ông Phùng lưu ý phải khảo sát thực tế từng địa phương để đưa ra chỉ tiêu biên chế GV hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm