Rào cản khi triển khai chương trình GDPT 2018

Nhiều cái khó khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chiều 13-7, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM do Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND quận 9 giám sát về “tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông”.

Thiếu kinh phí

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT quận 9, cho hay 21 trường tiểu học đã chọn lựa SGK theo đúng quy định.

Theo đánh giá chung của các cơ sở giáo dục, cả năm bộ sách đều có kênh hình, kênh chữ rất đẹp, cách thiết kế từng trang sách bắt mắt. Tuy nhiên, đối với bộ sách “Chân trời sáng tạo có ưu thế là có những từ ngữ, hình ảnh phù hợp, gần gũi với học sinh, giáo viên.

Do đó, đối với sách tiếng Việt, hầu hết đơn vị đã chọn các đầu sách của bộ sách “Chân trời sáng tạo”. Một số ít đơn vị chọn đầu sách Tự nhiên xã hội, Đạo đức, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm của các bộ sách “Cánh diều”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, “Cùng học để phát triển năng lực”.

Việc cung ứng SGK, Phòng GD&ĐT là đầu mối tổng hợp số lượng đăng ký của các đơn vị để công ty phát hành sách sẽ giao đến cho từng đơn vị trong thời gian từ ngày 6 đến 11-7.

Hiện UBND quận đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT chọn, cử 21 giáo viên cốt cán, ba cán bộ quản lý cốt cán tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông. Việc tổ chức bồi dưỡng đại trà cũng được triển khai dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, giá thành một bộ SGK mới dao động trong khoảng 179.000-199.000 đồng/bộ gồm 9-10 cuốn, cao hơn rất nhiều so với bộ SGK hiện hành (54.000 đồng gồm sáu cuốn gồm các môn). Bên cạnh đó, vở bài tập 126.000-194.000 đồng/bộ, bộ đồ dùng môn toán, tiếng Việt 170.000 đồng. Với giá bán như thế, đối với những học sinh nghèo thì rất khó khăn trong việc mua sắm trang bị vào đầu năm học.

“Quận đang chỉ đạo đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường có thể trao đổi với đơn vị cung cấp cho trả chậm hoặc nhà trường xây dựng tủ dùng chung để cho học sinh mượn sử dụng” - bà Hiền nói thêm.

Ngoài ra, về kinh phí phục vụ chương trình giáo dục mới, có nhiều khoản trường phải chi như mua sắm thiết bị dạy học, SGK, sách tham khảo của nhà trường, tổ chức tập huấn đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên (mua tài khoản 500.000 đồng/năm/người)... nhưng với kinh phí được giao năm 2020 không đủ thực hiện.

Về vấn đề này, ông Lê Tấn Hồng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận 9, chia sẻ việc mua sắm trang thiết bị, SGK hiện nay Phòng GD&ĐT đang rà soát, tổng hợp, lúc đó Phòng Tài chính sẽ tham mưu quận xem xét và giải quyết.

“Vấn đề khó nhất chính là trong vòng hai tháng nữa sẽ triển khai chương trình nhưng hiện nay chưa có danh mục tổng hợp. Đối với những trang thiết bị trên 100 triệu đồng phải đấu thầu (ít nhất mất ba tháng) nên rất khó” - ông Hồng nói.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết: “Chúng tôi sẽ kiến nghị trực tiếp Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét lại Thông tư 36 bởi nó gây khó khăn cho các trường”. Ảnh: DANH NGUYỄN

Tìm cách tháo gỡ

Kết luận tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho hay qua buổi làm việc, đoàn giám sát ghi nhận những kết quả mà quận đã thực hiện được trong việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51.

Quận đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên lớp. Các trường đã chọn lựa SGK đáp ứng yêu cầu của UBND TP, đã có sự chuẩn bị cho cơ sở vật chất để đáp ứng chương trình…

Hỗ trợ Phòng GD&ĐT tuyển giáo viên

Về việc tuyển giáo viên, để đảm bảo đủ giáo viên nói chung cho năm học mới và giáo viên phục vụ cho chương trình mới, đoàn đại biểu rất mong quận ủy, UBND sẽ có quan tâm triển khai tốt công việc, chỉ đạo các ngành chức năng, trong đó có Phòng Nội vụ để hỗ trợ Phòng GD&ĐT thực hiện tốt công tác tuyển dụng năm nay. 

Bà Tuyết cũng chia sẻ những khó khăn của quận gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó là: Áp lực tăng học sinh do tăng cơ học đối với quận vùng ven lớn; không chỉ tăng học sinh lớp 1 mà cả các khối lớp khác cũng đều tăng trong khi trường lớp không xây dựng kịp.

Những quy định hiện nay liên quan đến kinh phí cũng gây khó khăn cho các đơn vị cơ sở để thực hiện như Thông tư 36 về việc chi trả kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức của chúng ta.

“Đoàn đại biểu QH TP.HCM sẽ kiến nghị trực tiếp Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét lại Thông tư 36 bởi nó gây khó khăn cho các trường. Các trường CĐ, ĐH còn có nguồn thu trong khi các trường mầm non, tiểu học, THCS nguồn thu rất ít, thậm chí có trường không có nguồn thu. Trong khi việc đào tạo, bồi dưỡng là để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị” - bà Tuyết nhấn mạnh.

Bà Tuyết cho biết thêm, giá SGK thực chất trên 200.000 đồng/bộ nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên đã được miễn giảm 20%, vì thế mới có mức giá đó.

Về kinh phí mua sắm thiết bị dạy học, đoàn đại biểu QH đề nghị phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã trên cơ sở thống kê đề xuất của Phòng GD&ĐT có quan tâm, báo cáo chủ tịch quận để có ngân sách hỗ trợ.

Kiến nghị cơ chế chi trả bồi dưỡng viên chức bằng ngân sách quận

Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận 9 Lê Tấn Hồng chia sẻ thêm, theo Thông tư 36 năm 2018, bồi dưỡng, đào tạo dành cho cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước chi trả. Còn đối với viên chức thì phải trả bằng nguồn thu của đơn vị. Hiện nay, đối với quận 9, nguồn thu các trường gặp khó, chủ yếu tập trung vào thu hộ chi hộ, thu theo thỏa thuận và thu liên doanh, liên kết hoặc cho thuê, hoặc kinh doanh (còn vướng mắc và cực kỳ phức tạp).

“Tôi mong mỏi đoàn đại biểu QH có kiến nghị để xin cơ chế có thể sử dụng ngân sách quận chi trả. Quận có ngân sách nhưng phải cho cơ chế để thanh toán” - ông Hồng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm