Sau vụ cây đổ, những lưu ý khi trồng cây xanh trong trường học

Ngày 26-5, cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM bất ngờ bật gốc, đè 18 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong.

Ngày 28-5, cây phượng cao khoảng 12 m ở sân trường Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (Đắk Lắk) bất ngờ bị bật gốc, rất may không có học sinh nào bị thương.

Cây phượng ở Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên bị bật gốc. Ảnh: QM

Ngày 29-5, một cây phượng lại bật gốc, gãy đổ xảy ra tại Trường Tiểu học Thái Hòa A (Bình Dương). Tuy nhiên, vị trí cây phượng bị đổ nằm ở khu vực cổng phụ. Cổng này đã đóng không cho ai ra vào từ lâu, nên may mắn không có học sinh nào bị thương.

Những sự cố trên đã đặt ra vấn đề trồng và chăm sóc cây xanh làm sao để vừa tạo bóng mát, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh.

GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) phân tích, cây phượng là một loài cây có hoa rất đẹp và luôn gắn liền với tuổi học trò. Bởi thế, nhiều trường học đã trồng cây này để mang lại ký ức đẹp cho tuổi học sinh và vừa tạo cảnh quan, che bóng mát trong sân trường.

Tuy nhiên, cây phượng phù hợp với sân trường ở nông thôn hơn, nơi có nền đất tự nhiên cho bộ rễ phát triển, không bị bê tông hóa trên mặt rễ cây. Còn các trường ở đô thị, việc đổ bê tông kiên cố sát tận vào gốc đối với cây phượng sẽ làm cho rễ cây dưới đất không hô hấp được dẫn đến bị chết mục cây và có thể tự đổ bất cứ khi nào.

Ngoài ra, với những cây to từ 40 cm trở lên là rễ bắt đầu trồi lên, cành nhánh rất giòn, dễ gãy, gốc rất dễ mục... Do vậy, các trường ở đô thị có sân bê tông nên hạn chế trồng và phải kiểm tra thường xuyên.

Tương tự, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia cho biết cây trồng trong TP với mức độ bê tông hóa cao, thường khó có khả năng bám rễ sâu vào lòng đất và do vậy, nguy cơ gãy đổ càng cao.

Một cây phượng ngoài tự nhiên, có thể có bộ rễ to gấp ít nhất 2 lần tán lá của nó. Nhưng ở trường học hoặc trong TP, bộ rễ này nhiều khi chỉ bám nông trên mặt đất và rất dễ đổ ngã. Cây quá già cũng dễ gãy đổ. Mặt khác, quá trình trồng cây không đúng tiêu chuẩn cũng có thể là nguyên nhân khác khiến cây trong thành phố đổ ngã.

Do đó, theo bà Huyền nhằm tiếp tục duy trì mảng xanh trong trường hợp, đồng thời đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường cần tiến hành các giải pháp sau.

Sau khi sự cố xảy ra, trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM đã tiến hành rà soát và phối hợp với Công ty Công viên Cây xanh TP đốn hạ cây phượng còn lại vì không đảm bảo an toàn. Ảnh: MINH TÂM

Thứ nhất, trường cần tiến hành rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hàng năm, đặc biệt là trước mua mưa bão. Tiến hành chặt tỉa cành, đánh giá mức độ mục ruỗng, độ tuổi của cây, khả năng gãy đổ để quyết định thay bằng cây trồng mới.

Thứ hai, khi quyết định trồng cây tại khuôn viên các trường học, nhà trường cần được tư vấn của các chuyên gia về cây xanh trong trường học để chọn được loài cây phù hợp với điều kiện thổ những, khuôn viên trường học và nhu cầu của trường. “Có những loài cây cho bóng mát, hoa đẹp, phát triển nhanh nhưng tuổi thọ lại ngắn. Có những loại cho bóng mát, không nhiều hoa, chậm phát triên hơn nhưng tuổi thọ cao và vững chắc…”, bà Huyền nói thêm.

Bà Huyền cho hay, các trường khi trồng cây cần lưu ý kỹ thuật trồng cây, đào hố đủ to, đủ sâu…giúp cho bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vàng vào đất. Kích thước cây đem trồng cũng cần lưu ý. Những cây đã to với đường kính thân lên tời 20-30 cm, khi đem trồng sẽ nhanh tạo bóng mát, những rễ lại không bám sâu vào lòng đất và do vậy khả năng đổ ngã cao hơn so với trồng cây nhỏ hơn.

Ngoài ra, các trường cần hướng dẫn học sinh các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão, để phòng cây đổ, điện giật. Học sinh nên tránh không sinh hoạt dưới gốc cây, đặc biệt vào những ngày trời gió to hoặc sau trận mưa bão. Học sinh cũng học cách quan sát xung quanh, khẩn trường chạy ra xa khi thấy cây bắt đầu có hiện tượng rung lắc mạnh.

“Việc duy trì cây xanh trong trường học là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của học sinh và môi trường. Chính vì thế, các trường cần sáng suốt trong các quyết định để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng không làm mất cân bằng sinh thái”, bà Huyền nhấn mạnh.

2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm