Seoul nói không với giáo viên ngoại dạy tiếng Anh

SMOE cho biết sẽ cắt 4,4 tỷ won (3,9 triệu USD) từ ngân sách cấp cho giáo viên nước ngoài tại các trường cấp ba. Điều đó có nghĩa là 225 trong số 266 giáo viên nước ngoài tại Seoul sẽ không được làm mới hợp đồng khi hết hạn.

“Chúng tôi đã trình lên Hội đồng thủ đô Seoul kế hoạch ngân sách dành cho giáo viên nước ngoài tại các trường cấp ba”, một quan chức ở SMOE cho biết. “Chúng tôi quyết định sẽ cắt tối đa ngân sách một cách hiệu quả trong việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài. Chúng tôi kết luận rằng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trường cấp ba kém hiệu quả hơn giáo viên tại các trường tiểu học và cấp hai.”

Mặc dù SMOE cũng lên kế hoạch cắt giảm dần số giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học và cấp hai, nhưng con số hiện tại sẽ được duy trì ít nhất cho đến năm sau.
 
“Chúng tôi chưa quyết định khoản ngân sách dành cho giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học và cấp hai”, SMOE cho biết.

Seoul nói không với giáo viên ngoại dạy tiếng Anh ảnh 1
Một giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học ở Seoul, Hàn Quốc. Văn phòng Giáo dục thủ đô Seoul đang lên kế hoạch không tái tuyển dụng giáo viên nước ngoài để cắt giảm ngân sách. (Ảnh: Korea Times)
Theo Korea Times, trong số 266 giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trường cấp ba, văn phòng SMOE trả lương cho 255 giáo viên, còn 11 giáo viên còn lại do các văn phòng các quận trả lương. Có 30 giáo viên sẽ duy trì công việc nhờ vào hỗ trợ của SMOE là những giáo viên dạy tại các trường quốc tế hoặc trường chuyên về khoa học hoặc các trường chuyên ngữ. Mặc dù giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trường cấp ba sẽ không được chào đón, điều đó không có nghĩa là các giáo viên này ngay lập tức bị thải hồi. Một khi hợp đồng hết hạn, họ sẽ có ít cơ hội hơn để làm mới hợp đồng, đặc biệt là nếu họ nhận được đánh giá yếu kém của nhà tuyển dụng. Trước việc các trường cấp ba sẽ không tái tuyển dụng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh, phản ứng của công chúng có hai hướng trái ngược nhau. Một số người dân thì chào đón kế hoạch cắt giảm ngân sách của Văn phòng SMOE, họ nói rằng như thế sẽ chi tiêu hiệu quả hơn. “Trong 7 năm qua, tôi dạy cùng với 4 giáo viên tiếng Anh người nước ngoài nhưng chất lượng dạy học sinh của chỉ hên xui. Một số học sinh được dạy bởi những giáo viên chất lượng còn một số em kém may mắn hơn thì được học với những giáo viên chưa thuần thục trong giảng dạy”, một giáo viên người Hàn Quốc tại một trường tiểu học ở Seoul cho biết. “Ngoài ra, việc trả lương cho các giáo viên người nước ngoài thật là tốn kém. Họ được trợ cấp về nhà ở và các chi phí khác ngoài khoản lương tháng. Tôi ước gì Văn phòng Giáo dục sẽ đầu tư hơn nữa cho các giáo viên tiếng Anh người Hàn Quốc bằng khoản ngân sách dành cho giáo viên nước ngoài.” Giáo viên này nói thêm rằng kể cả khi không có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh ở lớp, thì học sinh vẫn có thể học với giáo viên nước ngoài trong các buổi học thêm. Trong khi đó, vẫn có những người hoài nghi về quyết định không tái tuyển dụng giáo viên nước ngoài, nói rằng hiện nay các học sinh vẫn phải bỏ tiền túi ra để học thêm tiếng Anh “Những em có tiền để đi học thêm tiếng Anh thì không sao, nhưng những em khó khăn hơn thì sẽ là nạn nhân của chính sách này. Các em bị tước mất cơ hội được học với giáo viên nước ngoài. Dù chất lượng của giáo viên nước ngoài thế này, tôi nghĩ người nước ngoài có một vai trò tích cực trong việc giảm khoảng cách văn hóa cho học sinh”, một phụ huynh ngoài 40 tuổi nói. Trước đó, theo một khảo sát của SMOE, 62,4% phụ huynh trong số 11.800 phụ huynh được hỏi cho biết các giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh thì rất cần thiết tại các trường tiểu học, cấp hai và cấp ba.
Theo Xuân Vũ ( DT/Korea Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm