Sinh viên sư phạm còn “nghèo” kỹ năng và vốn thực tế

Theo dự kiến của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từ năm học này, SV ngành sư phạm sẽ tăng gần gấp đôi thời lượng rèn luyện nghiệp vụ và thực tập sư phạm so với trước.

Đó là những góp ý và kế hoạch được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác thực hành nghiệp vụ sư phạm theo học chế tín chỉ do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Sở GD&ĐT TP tổ chức sáng 4-12. Theo đó, SV năm ba sẽ có 15 tuần để rèn luyện nghiệp vụ tại các trường học, SV năm tư sẽ thực tập 12 tuần. Một số lãnh đạo trường phổ thông cũng cho rằng không nên dồn toàn bộ thời gian thực tập vào học kỳ hai mà nên chia đều hai học kỳ để các giáo viên hướng dẫn không bị áp lực.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non thuộc Sở GD&ĐT TP không ngần ngại phân tích, hầu hết SV sư phạm rất siêng năng, kỷ luật cao, nắm lý thuyết vững nhưng khả năng vận dụng thực tế chưa tốt. Hầu hết nhà trường phải bồi dưỡng lại vì SV không nhận biết được các phương pháp giảng dạy như chủ đề, tích hợp, kỹ năng… Nhiều giáo sinh không nắm được kỹ năng giao tiếp với trẻ, khi nào đứng, khi nào ngồi nói chuyện, chơi với trẻ lúc nào,…

“SV cần đi thực tế ngay từ năm nhất. Trường đừng đưa SV về các trường lớn, đẹp mà nên đưa SV về các trường bình thường, cơ sở vật chất hạn chế để SV được làm quen kỹ hơn. Trường mầm non cần tạo điều kiện cho SV tham gia tất cả khâu chăm sóc và dạy trẻ như thiết kế lớp, quan sát trẻ, nuôi, vui chơi, lau mặt… Khi các SV được xem như thành viên trong trường, họ sẽ có trách nhiệm và gắn kết với trường lớp hơn” - bà Dung góp ý.

Trao đổi về vấn đề này PGS-TS Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng trường và Sở GD&ĐT sẽ nghiên cứu xây dựng lại kế hoạch thực hành cho SV sao cho vừa đáp ứng thực tế vừa không gây trở ngại cho SV. “Chúng tôi muốn giáo viên phổ thông sẽ như là giảng viên trong trường sư phạm và SV thực tập cũng được coi như thành viên trong trường để gắn kết và trách nhiệm chứ không chỉ là người đi phục vụ các hoạt động 8-3, 20-11… Ngay cả SV giỏi được giữ lại trường giảng dạy, không phải năm nhất ở lại, năm hai đi học cao học mà cũng phải đi dạy thực tế vài năm mới được trở về biên chế của trường. Có như thế mới nâng chất sư phạm thực sự” - PGS-TS Cẩn trăn trở.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm