Tặng và nhận

Hay như một thông lệ tốt đẹp nhân những ngày lễ, tết: ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; ngày Nhà giáo 20-11; tết Trung thu… Những ngày này mặc dù là tặng quà theo một nguyên tắc bất thành văn nhưng hầu hết người tặng đều tự nguyện với tâm thức quý mến, đền ơn đáp nghĩa.

Món quà đích thực đôi khi chỉ là một bó hoa, một vật lưu niệm không có giá trị vật chất đáng kể nhưng có ý nghĩa, làm cho người được tặng cảm động. Dĩ nhiên tùy mối quan hệ tình cảm giữa người tặng và người được tặng. Bởi nhiều người rất coi trọng giá trị vật chất của món quà. Trên các trang báo mạng trong thời gian qua rộ lên chuyện một anh chàng tặng cho cô bạn gái mới quen những món quà đắt tiền nhưng sau một thời gian ngắn tìm hiểu, coi bộ không hợp, anh chàng đòi lại quà một cách ráo riết khiến cả mẹ con cô gái kia phải gom góp lại trả đủ cho“người bạn trai quý hóa” nọ. Hàng loạt “còm” phê phán rất nặng cả người tặng lẫn người nhận quà vì cả hai đều quá thực dụng. Có vẻ như đó là một cuộc trao đổi hơn là món quà tình cảm thông thường.

Nhẹ nhàng hơn chuyện vừa kể là một chuyện tặng quà nhân ngày Nhà giáo 20-11 vừa qua. Một bà bạn tôi, mẹ của một học sinh lớp 9 một trường lớn ở trung tâm TP, mang tâm trạng nặng trĩu kể lại chuyện bà chọn một lẵng hoa khá đẹp mang đến trường tặng cô giáo chủ nhiệm của con gái. Cô giáo nhận món quà rất hờ hững nên bà khá hụt hẫng. Khi bà vừa quay ra khỏi cửa phòng giáo viên thì nghe tiếng cô chủ nhiệm nói nhỏ với một cô giáo khác: “Lại hoa, toàn là hoa. Chả biết làm gì với đống hoa này. Thay vì mua hoa để tiền thì hay biết mấy!”. Bà nghe chua xót quá. Bây giờ nhiều giáo viên khá thực dụng nên có phụ huynh kèm bao thư trong lẵng hoa, kể cả trao thẳng bao thư cho cô giáo. Bà bạn tôi cho rằng nhét bao thư vào lẵng hoa hay trao bao thư cho cô giáo có vẻ như xúc phạm tới nghề nghiệp cao quý của thầy cô.

Tôi lại nhớ thời tôi học tiểu học ở quê hơn nửa thế kỷ trước, đây đó vẫn còn tư tưởng “Quân-Sư-Phụ”, nghĩa là trên hết là vua, kế đến là thầy rồi mới đến cha. Cái uy của ông thầy lớn lắm. Nhìn thấy thầy từ xa đã đứng lại chuẩn bị vòng tay cúi đầu chào. Hằng năm cứ đến ngày mồng ba tết là lũ học trò nhất tề kéo nhau đến nhà thầy chúc tết. “Mồng một tết cha mồng ba tết thầy”. Còn trước tết, nhà nào khá giả thì cha mẹ mang biếu thầy con gà hay chai rượu; nhà nghèo thì đòn bánh tét hay chỉ gói trà. Nhiều thầy từ chối không nhận với lý do nhiều gia đình học trò khó khăn nhưng có thầy thì nhận cho phụ huynh vui lòng.

Trong một cuộc trà dư tửu hậu, giám đốc một công ty băng đĩa nhạc lớn ở TP kể, hồi còn bao cấp, ông ra Hà Nội tìm đến một nhạc sĩ tên tuổi với mục đích mua bản quyền nhạc để độc quyền thu âm. Qua tìm hiểu, biết vị nhạc sĩ thích uống loại rượu X nên ông mang đến tặng chai rượu ngoại đắt tiền và thuộc loại quý hiếm lúc bấy giờ. Bà vợ nhạc sĩ bèn mở hộp lấy chai rượu ra lật ngược đít chai lên, lắc lắc rồi bảo: “Rượu giả bây giờ nhiều lắm. Chúng nó tinh lắm, chúng khoan đít chai rút hết rượu ra, bơm rượu giả vào rồi hàn lại. Anh mà không rành là bị mua rượu giả ngay!”. Ông giám đốc băng đĩa nhạc quá bất ngờ trước cách xử sự của phu nhân nhạc sĩ tài hoa mà ông yêu thích. Ông cụt hứng, đứng dậy chào ra về, không còn thiết tha chuyện mua bản quyền âm nhạc nữa! “Của cho không bằng cách cho”. Cần có sự tế nhị và trân trọng khi tặng quà nhưng người nhận quà cũng cần ứng xử có văn hóa.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm