Thủ tướng: Trường sư phạm không phải nơi đào tạo ‘thợ dạy’

Ngày 6-8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Một trong những nghịch lý lâu nay của ngành giáo dục là thừa, thiếu giáo viên (GV) cục bộ ở các địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, năm học 2018-2019 toàn tỉnh thiếu hơn 1.000 GV, trong đó bậc mầm non chiếm khoảng 60%-70%. “Từ năm 2015 đến nay, ngành giáo dục Kiên Giang chưa được giao thêm biên chế nên rất khó khăn. Tỉnh đã nhiều lần đề nghị lên Bộ Nội vụ nhưng vẫn chưa được giải quyết” - bà Giang nói.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết Bộ cũng nắm rõ về tình trạng thiếu GV, đặc biệt là GV mầm non. Để giải quyết tình trạng này, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và năm tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non cho 14 tỉnh có dân số tăng cơ học và năm tỉnh Tây Nguyên nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Nguyên nhân được đánh giá là do một số tỉnh tinh giản biên chế ngành giáo dục còn cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số, không có biên chế tuyển mới dẫn đến thiếu GV cục bộ. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng việc thừa, thiếu GV cục bộ tại một số tỉnh cho thấy công tác dự báo nhân lực ngành giáo dục chưa được chuẩn xác. Các ngành, các địa phương cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ kịp thời, không để tình trạng thiếu GV giảng dạy khi năm học mới đã cận kề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng thừa, thiếu GV cục bộ là do thực hiện định mức GV còn máy móc, ở đâu có học sinh thì phải bố trí GV, không thể vì giảm định mức mà cắt giảm GV, đẩy khó khăn lên vai phụ huynh. “Nhiều địa phương chỉ bố trí GV theo định mức quy định, dẫn đến quá tải. Hiện có lớp sĩ số lên đến 60 học sinh trong khi định mức ngành giáo dục đặt ra ở bậc tiểu học là 35 học sinh/lớp, bậc trung học là 45 học sinh/lớp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự hội nghị.  Ảnh: Trung tâm Truyền thông giáo dục Bộ GD&ĐT

Xử lý các trường đại học “hữu danh vô thực”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng biểu dương ngành giáo dục trong năm học vừa qua đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra nề nếp hơn, chất lượng hơn, tạo được niềm tin cho xã hội.

Bày tỏ trăn trở về tình trạng “dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”, Thủ tướng nêu rõ năm học 2019-2020 này phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên; yêu cầu trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này để triển khai ngay trong năm học mới.

“Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải thợ dạy, phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng GV. Từ đó tiến tới các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm đào tạo GV cho mình từ số lượng bao nhiêu, cơ cấu môn học thế nào và yêu cầu chuẩn trình độ năng lực, phẩm chất ra sao” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. Bộ GD&ĐT phải tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở đào tạo kém chất lượng kéo dài, dừng đào tạo các ngành kém hiệu quả… Tiếp đó, Bộ cần có giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tự chủ đại học. Nghiên cứu cơ chế thí điểm trường mầm non, phổ thông có điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, quan tâm đến giáo dục miền núi, phát huy vai trò của các hội khuyến học.

Quản lý lỗi thời hạn chế sáng tạo

Đội ngũ GV chính là yếu tố quyết định sự thành công đổi mới ngành giáo dục, do đó để nâng cao chất lượng GV thì cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý. Quản lý lỗi thời sẽ là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của các thầy cô.

Đề nghị Bộ GD&ĐT có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và GV. Cùng với đó cần công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu GV để xã hội, người học biết. Một khi nhìn thấy tương lai học xong có việc làm tốt, ổn định thì học sinh giỏi sẽ vào sư phạm.

Ông NGUYỄN VĂN MINH, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm