Tôn vinh các nhà giáo xóa mù chữ cho quân và dân Củ Chi

Dịp này, huyện cũng tôn vinh 42 thầy cô giáo còn sống đã có đóng góp trong công tác dạy chữ, bổ túc văn hóa, thanh toán nạn mù chữ cho quân và dân Củ Chi từ năm 1960 đến năm 1970, tạo thành phong trào học tập sôi nổi lúc bấy giờ.

Tại buổi lễ, bà Phan Thị Nở, Chủ tịch danh dự Hội Cựu giáo chức TP.HCM thay mặt Ban trí vận khu ủy Sài Gòn – Gia Định đã trao huy hiệu và bằng khen (bản sao) Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Ban trí vận Mặt trận khu ủy Sài Gòn-Gia Định cho 42 thầy cô giáo nhằm tri ân những người đã có đóng góp cho thành tích chung này.

Bà Phan Thị Nở trao bằng khen cho các thầy cô giáo

Nhớ lại những ngày đến từng nhà, từng hầm trú ẩn dạy chữ dưới ánh đèn dầu leo lắt, cô Hà Thị Hồng Vân, nguyên chủ tịch Hội nông dân thành phố nói vui: “Thầy cô giáo đều mới 16, 17 tuổi, học trò nhiều người còn lớn hơn thầy. Thầy cô giáo dạy không lương, không bằng cấp nhưng có thừa nhiệt tình, học đến chữ b thì truyền lại chữ a. Sách vở bỏ vào ống tre, lu nước để ngụy trang…”. Cô còn nhớ lứa học trò cô dạy ngày ấy, giờ có không ít người giữ chức vụ cao như ông Võ Văn Tân, phó trưởng ban Ban tổ chức thành ủy TP.HCM.

Cô Hà Thị Hồng Vân (giữa) vui mừng khi gặp lại đồng nghiệp

Còn cô Nguyễn Thị Dấu vẫn nhớ hoài một em học sinh bị miểng đạn của địch găm vào chân vì chui xuống hầm tránh bom không kịp. Bỏ qua ám ảnh thuở nhỏ, em tham gia bộ đội và hi sinh anh dũng.

Ông Phan Văn Vẻn học đến đệ thất, tương đương lớp 7 trường Phan Sào Nam tham gia phong trào Đồng Khởi nên bị đuổi học. Khát khao cống hiến cho đất nước của ông một phần đã thành sự thật khi ông gia nhập đội ngũ xóa mù chữ. Năm 1969-1970, chiến tranh thêm ác liệt, dân một số xã bị gom vào ấp chiến lược nên phong trào lắng xuống, thầy và trò cùng thoát ly vào các đơn vị bộ đội trực tiếp hoặc gián tiếp đánh giặc, có nhiều người đã ngã xuống như thầy Bảo, thầy Hai Lớn, cô Tém, trò Tâm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm