TP.HCM rà soát các trường mầm non có yếu tố nước ngoài

Sáng 14-8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 giáo dục mầm non (GDMN).

Quản lý chặt cơ sở mầm non có yếu tố nước ngoài

Theo báo cáo của Phòng GDMN, năm học 2018-2019, tỉ lệ nhà trẻ được ăn bán trú trên địa bàn TP là 100%, tỉ lệ trẻ mẫu giáo được ăn bán trú 99%, tỉ lệ trẻ mẫu giáo học hai buổi/ngày 99%, tỉ lệ trẻ mẫu giáo năm tuổi được ăn bán trú 95%, và 100% trẻ mẫu giáo năm tuổi được học hai buổi/ngày.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT (bìa phải), tặng cờ thi đua cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ngành đã thực hiện được các chuyên đề nâng cao chất lượng GDMN như tổ chức chuyên đề “Xây dựng môi trường thiên nhiên trong tổ chức hoạt động và tăng cường vận động cho trẻ”, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non về đạo đức nhà giáo, tổ chức chuyên đề “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay"...

Trong năm học, ngành cũng đã kiểm tra và thẩm định công nhận mới 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đến nay toàn TP có 167 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo đủ số lượng phòng học, 100% trường lớp có nhà vệ sinh phù hợp cho trẻ, có bếp an toàn, hợp vệ sinh. 100% trường mầm non đều thực hiện chương trình GDMN, được trang bị máy tính có kết nối Internet.

Tuy nhiên, ngành GDMN vẫn còn một số khó khăn như sĩ số học sinh/lớp đông nên tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chưa cao. Chưa đảm bảo tỉ lệ giáo viên/trẻ ở các lớp nhà trẻ và lớp ba, bốn tuổi, nhất là cơ sở mầm non ngoài công lập,  giáo viên cơ sở GDMN ngoài công lập không ổn định.

Về nhiệm vụ năm học mới, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sẽ đảm bảo chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe và an toàn tuyệt đối cho trẻ. Triển khai giáo dục giới tính cho trẻ từ ba đến năm tuổi, duy trì chất lượng trường mầm non tiên tiến hội nhập, xây dựng trường mầm non theo xu thế hội nhập. Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập và quản lý chặt chẽ các trường mầm non có yếu tố nước ngoài.

Theo bà Điệp, để thực hiện được những nhiệm vụ trên, ngành đã có nhiều biện pháp như tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh, an toàn và thuận lợi trong công tác chăm sóc trẻ. Đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, triển khai mô hình “lớp học thông minh - trường học thông minh", mở rộng, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp.

TP.HCM đi đầu trong phát triển GDMN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT, cho biết những vấn đề trong định hướng chỉ đạo của Bộ về việc phát triển ngành đã được TP.HCM đưa ra rất cụ thể. Năm học 2018-2019, TP.HCM được Bộ GD&ĐT đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển GDMN, là nơi có những điểm sáng mà nhiều địa phương khác cần học hỏi.

Theo bà Hiếu, thứ nhất là TP.HCM đã đi đầu đổi mới trong công tác quản trị các cơ sở giáo dục và cụ thể đã tập huấn cho đội ngũ quản lý, giáo viên. TP có những chương trình bồi dưỡng, tập huấn không chỉ trong nước mà còn đi tham khảo mô hình tại Nhật Bản.

Thứ hai, TP.HCM đã phát triển GDMN ngoài công lập đi đôi với quản lý các cơ sở GDMN công lập trên địa bàn. TP không phát triển nhóm lớp độc lập, nâng tỉ lệ trường lên 75 trường. "Đây là một hướng đi đúng đắn" - bà Hiếu đánh giá.

Thứ ba, TP.HCM đã xây dựng các chuyên đề như: lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng môi trường trong nhà trường để trẻ có hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Cạnh đó còn quan tâm các kỹ năng khác cho trẻ như giáo dục giới tính, hoạt động trải nghiệm… 

Bà Hiếu cho rằng TP cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề dân chủ trong cơ sở giáo dục, thể hiện trong những hoạt động cụ thể từ xây dựng chương trình, sinh hoạt tổ chuyên môn cho đến tổ chức các hoạt động. "Nếu có thể, chúng ta cần giảm tải các loại sổ sách đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục hiện nay. Chúng tôi mong muốn giảm tới mức tối đa những hồ sơ, sổ sách phát sinh" - bà Hiếu nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm