Trăn trở đổi mới cách dạy học văn

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên dạy ngữ văn của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TP.HCM chia sẻ như vậy sau khi kết thúc dự án “Làng Việt - Làng nghề”. Cô chính là người đã ấp ủ, khởi xướng và duy trì thành công dự án Học văn để sống từ ba năm nay.

Sau sáu mùa của dự án, nhiều đề tài nhân văn, dân sinh, thậm chí gai góc đã được cô trò trong trường thực hiện thành công và tạo tiếng vang trong xã hội. Cụ thể như Sài Gòn tôi yêu, Con đường lưỡng tính, Tôi chọn trung thực, Chuyện trách nhiệm, Làng Việt - Làng nghề,...  Từ dự án của cô Ngọc, nhiều trường THPT tại TP.HCM nhân rộng cách học này để giúp học sinh (HS) được học một cách hiệu quả hơn.

Cô Minh Ngọc (đứng giữa hàng sau) chụp ảnh lưu niệm cùng các HS trong một hoạt động học kỹ năng ở lớp.

Muốn thay đổi cách dạy Văn hiện nay

. Phóng viên: Chị đánh giá thế nào sau ba năm thực hiện dự án "Học văn để sống" mà HS đã làm thời gian qua?

+ Giáo viên Nguyễn Thị Minh Ngọc: Thứ nhất, tôi thấy các dự án đã thực sự đem đến cho HS những bài học không có từ sách vở hay chỉ ngồi ở lớp. Các em đã trải nghiệm thực học, chia sẻ và yêu thương, biết đến những giá trị văn hóa còn và mất.

Thứ hai, tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phụ huynh, nhà trường và đồng nghiệp. Thứ ba, dự án xây dựng được mục tiêu chung, có những chủ đề mang tính chiều sâu, từ khâu tổ chức, đánh giá, lập kế hoạch... Nó thể hiện được tính tích hợp, liên môn mà ngành giáo dục đang hướng đến.

Tuy nhiên, dự án cũng còn nhiều cái chưa được, cụ thể là chưa tìm được nguồn hỗ trợ kinh phí ổn định cho dự án. Phần lớn cứ đến mùa nào thì giáo viên phải chạy tìm kinh phí cho dự án đó. Hơn nữa, dự án tốn nhiều công sức của cả người dạy lẫn người học, vì chương trình, lịch học và thi cử của các em rất nhiều.

. Cái chưa được đó có phải cũng là những khó khăn mà chị gặp trong quá trình thực hiện không?

+ Thực sự, bất kỳ một phương pháp dạy học nào dù hiện đại hay truyền thống đều có những khó khăn riêng của nó. Dạy học dự án đúng là có gây khó là tạo áp lực, tốn nhiều công sức của cả người dạy lẫn người học vì để tổ chức được dự án thì rất cực. Nào là khó khăn về thời gian, tiền bạc, nhân sự, tư duy của HS. Tuy nhiên, quan trọng là do góc nhìn nhận của mình thôi. Nếu nhìn theo hướng tích cực thì “áp lực mới làm cho chúng ta lớn lên” chứ nếu dạy học cứ quanh quẩn trong vùng an toàn của mình thì không thể phát triển được. Ngay cả với HS cũng vậy, cũng có những em than phiền hoặc chỉ nghĩ đến điểm số. Nguyên do vì các em chưa nhận ra được những giá trị các em có được. Hoặc là những gì mất đi thì rất dễ thấy như mất buổi học thêm, tốn công sức nhưng cái được thì nó hình thành từ từ, ở độ tuổi các em chưa thể nhận ra được.

Nhiều khi cứ nghĩ làm xong dự án này, dự án kia là sẽ ngưng nhưng sau mỗi dự án lại thấy được thêm cái mới, thấy mình đem lại được gì đó cho HS thì mình lại có động lực để tiếp tục thực hiện.

. Nói như chị thì để dạy học theo dự án quả là không dễ. Vậy động lực nào khiến chị ấp ủ và thực hiện dự án này, cũng như vượt qua được những khó khăn đó?

+ Ngay từ đầu, tôi luôn ấp ủ và muốn HS được học văn một cách khác đi vì thực tế môn văn trong nhà trường hiện nay đang dạy sai hướng. Chúng ta đang biến môn văn thành môn học thuộc lòng, thành nỗi ám ảnh với HS. Trong khi môn văn trước hết phải là công cụ để HS tư duy bằng ngôn ngữ, nó giúp HS cảm nhận chiều sâu về cảm xúc từ cuộc sống. Ngoài ra, tôi làm vì tôi rất đam mê cách dạy và học như vậy. Nhờ đó mà đến nay tôi kêu gọi được sự hỗ trợ từ phụ huynh và nhiều bạn trẻ đã ra trường và từng làm dự án này của tôi vẫn quay lại tình nguyện làm huấn luyện viên cho các khóa sau.

Tuy nhiên theo tôi, trong giáo dục, mọi thứ xuôi chèo chưa hẳn đã tốt mà chính những tình huống khó khăn sẽ giúp mình định hình và tìm ra giải pháp để cách giáo dục của mình đến với HS tốt hơn. Vì những khó khăn đó nên phần lớn các dự án như thế này thường chỉ thực hiện ở các trường tư thục. Rất ít giáo viên trường công có thể thực hiện được bởi vì họ thiếu cơ chế hỗ trợ.

Trăn trở đổi mới cách dạy học văn ảnh 2

Cô giáo Minh Ngọc. 

Học sinh phải học từ thực tế

. Theo chị, HS sẽ học được những gì khi học theo dự án như vậy?

+ Mỗi năm có hai mùa dự án cho khối lớp 9 và 12. Dự án này là để HS được trải nghiệm bằng cách đi thực tế, cảm nhận những bài học từ thực tế vì kiến thức là mênh mông, nhà trường hay sách giáo khoa không thể truyền tải được hết. Thứ hai là hình thành quan điểm sống theo cách tích cực và đa chiều hơn, hướng đến những giá trị đích thực. Thứ ba là thông qua tiếp xúc thực tế, các em sẽ định hình những kỹ năng nhất định như làm việc nhóm, lên kế hoạch công việc, kỹ thuật tạo ra sản phẩm, cách giải quyết vấn đề... nó là những nhân tố để quyết định thành công cho các em sau này. Rõ ràng, nếu không làm những dự án như vậy thì HS không thể nào có cơ hội để ứng dụng và phát triển những kỹ năng đó.

. Trong suốt quá trình thực hiện, dự án hay chủ đề nào để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất?

+ Dự án tôi thấy ấn tượng nhất đối với khối lớp 9 là dự án “Tôi chọn trung thực”. Đây cũng là dự án mà tôi và một đồng nghiệp được giải nhất cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2015 của Bộ GD&ĐT. Không phải tôi thích vì tôi được giải mà là tôi thấy mình đã đem lại cho HS những giá trị trung thực. Các em đã làm ra những thước phim, câu chuyện rất chân thật trong cuộc sống.

Còn với lớp 12, dự án về nghệ nhân tò he khiến tôi ấn tượng nhất vì nó đánh động cái gì đó về ký ức của mỗi người. Nó chạm được đến trái tim của người xem bằng cảm xúc rất thật chứ không phải bằng kỹ thuật hình ảnh tốt.

Tự hào vì thấy học sinh trưởng thành hơn

Nhà trường đánh giá rất cao và tự hào về dự án Học văn để sống, cũng như tâm huyết của cô Minh Ngọc suốt thời gian qua. Cô Ngọc là giáo viên rất đam mê với công tác đổi mới và sáng tạo trong dạy học. Cô luôn muốn đem đến cho HS những trải nghiệm cũng như cách học bộ môn văn khác với xưa nay các trường vẫn làm. Với mỗi dự án, cô Ngọc đều lên kế hoạch tổ chức, dồn hết tâm huyết và công sức để cùng các em thực hiện. Ngay từ mùa đầu tiên, những sản phẩm của các em đã tác động rất lớn đến giáo viên cũng như phụ huynh, HS trong trường. Qua những sản phẩm của các em, rõ ràng không phải các em đang học mà các em đáng sống với cuộc sống của nhân vật.

Mặc dù thời gian làm mỗi dự án hơi dài, thậm chí có những dự án các em phải di chuyển hơi xa nhưng các em rất say mê và thực sự được làm việc. Các em đã trở nên năng động, biết sáng tạo, kết hợp được kiến thức và kỹ năng của các bộ môn làm ra sản phẩm. Điểm lớn nhất sau ba năm thực hiện là dự án này được phụ huynh đồng thuận và ủng hộ rất cao, bởi họ đã thấy được con họ được trải nghiệm và trưởng thành hơn.

( Phan Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM)

Nên nhân rộng phương pháp học này

Tôi rất hài lòng về cách học theo dự án này và thấy nên nhân rộng hơn. Bởi nó đem lại hứng thú và chủ động cho HS, nó thoát khỏi cách học nhàm chán, khô cứng lâu nay. Đây cũng là cách học mà phụ huynh được nói chuyện và theo dõi việc học của con như thế nào, được đưa những kinh nghiệm và kiến thức của mình để hướng dẫn cho con tốt hơn.

(Anh Nguyễn Quý Đắc, phụ huynh có con học lớp 12I1, Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm