Trẻ hư phạm pháp: Giáo dục thay cho chế tài

Sáng 24-4, Bộ Tư pháp đã công bố dự thảo Nghị định về biện pháp giáo dục tại phường, xã và các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, có hai biện pháp thay thế xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính gồm: Nhắc nhở và quản lý tại gia đình nhằm giáo dục những trẻ hư phạm pháp nhẹ thay cho chế tài xử lý chính thức. Trẻ được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hành chính có quyền được lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, không bị phân biệt đối xử.

Chú trọng tâm lý

Dự thảo đã đề xuất áp dụng biện pháp nhắc nhở (thay thế hình thức xử phạt cảnh cáo) đối với người chưa thành niên (14-18 tuổi) vi phạm hành chính ở mức cảnh cáo đã tự nguyện khai báo, thừa nhận vi phạm, thành thật hối lỗi. Việc nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, không cần lập thành biên bản. Còn biện pháp quản lý tại gia đình (thay thế cho biện pháp giáo dục tại phường, xã) được áp dụng đối với người chưa thành niên (14-18 tuổi) mà trong sáu tháng có hai lần trở lên có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trẻ vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, có môi trường sống thuận lợi (cha, mẹ, người giám hộ có nhân thân tốt, có thời gian quản lý, giáo dục trẻ). Cha mẹ, người giám hộ phải làm cam kết về quản lý, giáo dục trẻ.

Trẻ hư phạm pháp: Giáo dục thay cho chế tài ảnh 1

Việc áp dụng các biện pháp giáo dục trẻ vị thành niên lang thang phạm pháp cần có quy trình chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ. Ảnh minh họa: HTD

Góp ý cho dự thảo, ông Trương Hồng Dương (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ) cho rằng các biện pháp thay thế xử lý hành chính đối với trẻ hư nhằm mục đích nhân đạo nên phải có quy trình phù hợp với thực tiễn và phong tục tập quán, đừng để những biện pháp nhẹ lại hóa ra nặng nề. Chẳng hạn, nhắc nhở mà đem ra trước khu phố thì khác nào bêu xấu gia đình, ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Nguyên tắc áp dụng là tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của trẻ; tạo điều kiện cho trẻ tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

Quy định “mở” về cai nghiện

Nhiều ý kiến cũng lo ngại dự thảo quy định giáo dục tại phường, xã đối với người nghiện (cả người thành niên và trẻ vị thành niên) quá “mở” khi cho phép người nghiện có quyền lựa chọn cai nguyện tự nguyện hoặc đăng ký chương trình cai nghiện bắt buộc. Như thế, có khả năng hầu hết người nghiện sẽ chọn phương án cai nghiện tự nguyện, trong khi thực tế cai nghiện kiểu này rất khó thành công.

Qua thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thống nhất, đối với người nghiện lần đầu sẽ cho phép lựa chọn hình thức cam kết cai nghiện tự nguyện nhưng nếu vi phạm cam kết thì chủ tịch UBND cấp xã sẽ ra quyết định buộc người nghiện phải tham gia cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Trường hợp đã tham gia cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng mà vẫn còn nghiện thì địa phương sẽ lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, đối với trẻ vị thành niên lang thang phạm pháp, cần bổ sung quy định rõ về quy trình phối hợp giải quyết giữa nơi phát hiện trẻ vi phạm với nơi cư trú của gia đình trẻ hoặc nơi trẻ được bảo trợ, tránh tình trạng tránh né, đẩy trẻ đi nơi khác xử lý. Việc áp dụng các biện pháp giáo dục trẻ vị thành niên cần có quy trình chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết hiện nay cách xử lý vi phạm của trẻ vị thành niên ở các địa phương còn quá nặng, ở Tiền Giang còn giao cả chỉ tiêu số lượng trẻ đưa đi trường giáo dưỡng hằng năm.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm