Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Chọn trường theo tỉ lệ “chọi”, dễ “hố hàng”

Các trường ĐH, CĐ bắt đầu công bố tỉ lệ “chọi” và không ít thí sinh, phụ huynh bị choáng, bị tác động bởi tỉ lệ này. Tỉ lệ “chọi” cao khiến thí sinh lo lắng. Ngược lại, tỉ lệ “chọi” thấp làm cho thí sinh nhẹ nhõm với nỗi lo cạnh tranh. Tuy nhiên, thấy vậy mà không phải vậy!

PGS-TS Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Tỉ lệ “chọi” cao chưa chắc điểm trúng tuyển sẽ cao, cũng như đừng thấy tỉ lệ “chọi” thấp thì điểm sẽ thấp. Năng lực của thí sinh sẽ quyết định được sự cạnh tranh. Tỉ lệ “chọi” không nói lên điều gì đến điểm trúng tuyển cả”.

Cao đừng choáng, thấp khoan mừng!

Ông Xuân dẫn chứng, năm 2010 ngành bác sĩ răng-hàm-mặt có tỉ lệ “chọi” thấp thứ ba của trường, chỉ 1 “chọi” 7 nhưng điểm trúng tuyển lại cao nhất trường với 24 điểm. Tượng tự, ngành bác sĩ đa khoa cũng chỉ 1/6 mà điểm trúng tuyển lên tới 23,5. Trong khi ngành điều dưỡng có tỉ lệ “chọi” cao nhất trường với 1/41 nhưng điểm trúng tuyển lại khá thấp, chỉ ở mức 18,5. Các ngành kỹ thuật hình ảnh, y tế công cộng, gây mê hồi sức, kỹ thuật phục hình răng tỉ lệ “chọi” cũng cao ngất nhưng… điểm trúng tuyển chỉ dao động từ 16,5 đến 19,5.

TS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay hằng năm tỉ lệ “chọi” của trường này không cao nhưng cạnh tranh giữa các thí sinh lại khá gắt gao. Trong khi đó, theo thống kê của Pháp Luật TP.HCM, nhiều trường tỉ lệ “chọi” rất cao nhưng điểm trúng tuyển chỉ nhỉnh hơn điểm sàn, như ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM là 1/7, Trường ĐH Sài Gòn 1/11, Trường ĐH Cần Thơ 1/8, Trường ĐH Nha Trang 1/7… nhưng điểm trúng tuyển chỉ dao động từ 13 đến 15.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Chọn trường theo tỉ lệ “chọi”, dễ “hố hàng” ảnh 1

Chuẩn bị hồ sơ dự thi Đại học-Cao đẳng. Ảnh: HTD

Chỉ mới là số liệu thô

PGS-TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), nói: “Thí sinh không nên lo lắng về tỉ lệ “chọi”, bởi tỉ lệ công bố vào thời điểm này chỉ mới tính trên số liệu thô của hồ sơ đăng ký dự thi. Con số này sẽ thay đổi nhiều và theo chiều hướng giảm đi do số thí sinh nộp nhiều hồ sơ, do số thí sinh không đủ điều kiện dự thi vì trượt kỳ thi tốt nghiệp… Tỉ lệ “chọi” thật phải tính trên số thí sinh đến dự thi thực tế so với chỉ tiêu. Tỉ lệ “chọi” hiện nay chỉ để tham khảo”.

Năm 2010, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, số lượt thí sinh dự thi chỉ hơn 1,5 triệu. Nhiều trường chỉ có gần 70% thí sinh thật so với hồ sơ đăng ký dự thi. Ngày thi đầu tiên kỳ tuyển sinh ĐH 2010, đã có tới hơn 200.000 thí sinh không đến dự thi. “Do đó thí sinh cần tính đến lượng hồ sơ ảo. Đừng thấy trường, ngành mình dự thi có tỉ lệ “chọi” cao đã choáng hay “chọi” thấp đã mừng!” - Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lưu ý. Hằng năm tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi “ảo” khoảng 25%-30% nhưng mỗi trường có một tỉ lệ “ảo” riêng. Xu hướng một thí sinh nộp 2-3 hồ sơ là phổ biến, chưa kể thí sinh nộp 6-7 hồ sơ.

Điểm trúng tuyển: Thước đo quan trọng

PGS-TS Lý Văn Xuân phân tích: “Khi chọn trường/ngành thi, thí sinh hãy tự giải đề thi năm trước xem mình đạt được bao nhiêu điểm và thỏa với điểm trúng tuyển trường/ngành mình muốn thi không. Nếu cần lấy một căn cứ mang tính quyết định để lựa chọn trường/ngành dự thi, thí sinh nên căn cứ theo điểm trúng tuyển của ba năm gần nhất để tìm mẫu chung. Chẳng hạn thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM phải đạt từ 8 điểm trở lên ở cả ba môn mới có khả năng đậu”. Theo ông Xuân, những trường/ngành có đông thí sinh dự thi chưa hẳn đã là những trường tốp trên, nên số thí sinh nhiều nhưng thường là thí sinh có trình độ trung bình-khá. Còn những trường/ngành thuộc hàng tốp dù thí sinh dự thi ít nhưng tính cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Thực tế cho thấy những trường hàng đầu như ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao... không lệ thuộc vào tỉ lệ “chọi” cao hay thấp mà điểm trúng tuyển cứ cao một cách ổn định. Trong khi đó, một số trường tỉ lệ “chọi” luôn cao nhưng điểm trúng tuyển chỉ hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT một ít.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Chọn trường theo tỉ lệ “chọi”, dễ “hố hàng” ảnh 2

Việc chọn trường căn cứ vào tỉ lệ “chọi” dễ đưa ra quyết định sai lầm, vì tỉ lệ “chọi” thường diễn biến không nhất quán giữa các năm, bởi tâm lý số đông thấy năm trước đã nhiều người dự thi thì năm sau lại không dám đăng ký nữa. Mức độ cạnh tranh, khả năng trúng tuyển vào phần lớn các trường ĐH, CĐ không phụ thuộc nhiều vào số lượng dự thi nhiều hay ít. Do đó, thí sinh không nên quan tâm đến tỉ lệ “chọi” mà cần tập trung vào việc ôn tập thật tốt để bước vào kỳ thi. Điều quan trọng là năng lực, trình độ của chính mỗi thí sinh. Vì vậy thí sinh không nên quá lệ thuộc vào tỉ lệ “chọi” để chọn trường, ngành dự thi.

PGS-TS NGÔ KIM KHÔI,
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm