Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 - Đợt 2: Đề thi sẽ không đánh đố thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, cho biết: “Đề thi đợt này sẽ phù hợp với trình độ thí sinh. Tất cả thí sinh có học lực trung bình đều có thể làm được một phần đáng kể của đề thi, chứ không thể bỏ giấy trắng”.

Từ dễ đến rất khó

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tinh thần chung của đề thi năm nay là có câu dễ, câu trung bình, câu khó và có những câu thật khó để thí sinh thật giỏi mới làm được.

“Cũng giống như đợt 1, qua phản ánh của dư luận thí sinh, hy vọng phổ điểm năm nay ở cả hai đợt thi sẽ nằm ở mức 4-6 điểm, nghĩa là được trải rộng, tập trung nhất ở mức điểm trung bình và giãn đều sang hai bên, không quá thấp hay quá cao. Khi có phổ điểm đẹp, các trường có nhiều lựa chọn hơn và thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn chọn được một chỗ học phù hợp. Do đó, đề thi của những môn tiếp theo ở các khối B, C, D thì chủ trương chung của Bộ vẫn yêu cầu phải có khả năng phân loại thí sinh, nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không quá khó, không quá dài, không đánh đố thí sinh” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 - Đợt 2: Đề thi sẽ không đánh đố thí sinh ảnh 1

Niềm vui của thí sinh sau khi kết thúc môn thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ảnh: QUỐC DŨNG

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho hay đề thi tiếng Anh của khối A1 vừa qua không dành cho thí sinh chuyên ngữ nhưng ở đề thi tiếng Anh của khối D1 thì mức độ khó sẽ tăng nhiều nhằm lựa chọn được thí sinh có năng khiếu về ngoại ngữ, kiểm tra năng lực thí sinh một cách chính xác.

Siết chặt quy chế ở đợt 2

Đợt 2 được xác định có nhiều khối thi, môn thi và nhiều môn tự luận nên dự báo có thể thí sinh sẽ liều sử dụng tài liệu để quay bài.

Trong đợt 1 thi ĐH vừa qua, số thí sinh bị xử lý kỷ luật lên đến 129, tăng hơn ba trường hợp so với năm trước, trong đó khiển trách 27, cảnh cáo sáu, đình chỉ 92 và bốn thí sinh đến muộn không được dự thi. TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Khiển trách áp dụng đối với những thí sinh phạm lỗi một lần như nhìn bài của bạn, trao đổi với bạn, thí sinh sẽ bị trừ 25% số điểm thi của môn đó. Thí sinh bị kỷ luật cảnh cáo nếu trao đổi bài làm hoặc giấy nháp cho bạn, chép bài của người khác sẽ bị trừ 50% số điểm thi của môn đó”.

Đối với những trường hợp bị đình chỉ như viết, vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi; mang theo tài liệu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin; đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác… sẽ bị điểm 0 môn đó, không được thi tiếp môn sau và không được thi tiếp các trường khác, chẳng hạn không được thi đợt 3 vào các trường CĐ.

Đừng “Chết” vì chuông điện thoại di động

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lưu ý: “Ở đợt 2 này, thí sinh dứt khoát không mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong đợt 1 vừa qua có rất nhiều thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động dù chưa sử dụng, do sợ để ngoài bị mất. Nhưng dù sử dụng hay không sử dụng đều bị đình chỉ thi”.

Trong ngày cuối thi môn Hóa khối A của đợt 1 vừa qua, thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ bị phát hiện mang điện thoại vào phòng thi khi chuông báo thức từ điện thoại… bỗng dưng reo. Cũng ngày cuối thi môn Hóa, khi đã phát đề và bắt đầu tính giờ làm bài, thí sinh dự thi vào Trường ĐH GTVT chợt nhớ vẫn giữ điện thoại trong túi liền nộp cho giám thị và bị đình chỉ thi. Một trường hợp nữa cũng tại hội đồng này, khi còn 5 phút hết giờ làm bài thì chuông điện thoại reo, do người nhà tưởng hết giờ thi nên gọi điện thoại hỏi thăm thí sinh…

Không điều chỉnh đáp án môn Toán

Sáng 7-7, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), đã chính thức trả lời về đáp án môn Toán khối A và khối A1 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012 của Bộ GD&ĐT khi dư luận cho rằng đáp án câu 8.b chưa chuẩn xác. Theo ông Nghĩa, trên cơ sở giải trình của Ban đề thi, Bộ GD&ĐT khẳng định đáp án, thang điểm đã công bố là hoàn toàn chính xác và không phải điều chỉnh.

Theo đó, đề thi và đáp án chính thức môn Toán khối A và khối A1 của Bộ là hoàn toàn chính xác và không gây nhầm lẫn cho thí sinh và cán bộ chấm thi. Đáp số về đường thẳng trong bài toán là duy nhất, thí sinh có thể viết phương trình đường thẳng này theo nhiều cách khác nhau (chứ không phải chỉ có ba cách như phản ánh của các báo). Cán bộ chấm thi có đầy đủ khả năng để kiểm tra cách viết của thí sinh là đúng hay sai. Hướng dẫn chấm thi của Bộ cũng đã nêu rõ: “Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách giải khác so với đáp án nhưng vẫn đúng thì cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm”. Do đó, dù thí sinh làm theo cách nào thì vẫn được điểm tối đa cho phần làm đúng.

Q.DŨNG - V.THỊNH

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm