Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đợt 2: Coi chừng nhầm môn thi

Sáng 8-7, thí sinh (TS) dự thi đợt 2 bắt đầu làm thủ tục dự thi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Đợt thi này có thay đổi đặc biệt về thứ tự các môn thi ở cả ba khối B, C, D nên TS và cả hội đồng thi nếu không cẩn thận có thể gây ra những hậu quả khó lường”.

Đổi thứ tự môn thi

Kể từ năm 2013, thứ tự các môn thi khối B là toán, sinh, hóa thay cho sinh, toán, hóa như các năm trước. Tương tự, khối C vốn quen với cách gọi văn, sử, địa thì năm nay đổi thành địa, sử, văn. Khối D năm nay cũng đổi thành toán, ngoại ngữ, văn.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Theo đề nghị của các trường, nhằm giảm bớt áp lực dồn dập trong quá trình thi của TS, nhất là tránh việc TS phải thi hai môn tự luận trong ngày gây căng thẳng nên Bộ thay đổi thứ tự môn thi. Điều chỉnh này có lợi rất nhiều đối với TS. Tuy nhiên, những TS đã quen lịch thi các năm trước hoặc thi lại ĐH phải chú ý để không bị nhầm môn thi. Ngay cả các hội đồng thi cũng phải cẩn thận vì những hội đồng thi ở xa điểm in sao đề phải nhận đề thi của cả hai buổi thi trong ngày nên nếu không cẩn thận rất dễ bóc nhầm đề. Khi nhầm đề thi buổi sáng với buổi chiều sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới kỳ thi chung”.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đợt 2: Coi chừng nhầm môn thi ảnh 1

Sinh viên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” tư vấn cho phụ huynh và TS khi vừa xuống xe tại Bến xe Miền Đông chiều 7-7. Ảnh: QUỐC DŨNG

Lường trước những khó khăn ở đợt thi nhiều khối và nhiều môn thi này, TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay: “Trường tổ chức thi cả ba khối B, C, D nên để hạn chế sai sót, chúng tôi đã bố trí các khối thi riêng ở mỗi điểm thi. Chỉ tại trường chính mới thi nhiều khối, còn các điểm thi bên ngoài chỉ thi một khối duy nhất. Điều này để tránh nhầm lẫn khi bóc đề thi, cũng như TS nhầm khối hoặc có xảy ra sự cố thì trường chính trực tiếp nắm được thông tin và giải quyết dễ hơn”.

Chủ quan nên vi phạm

Theo ghi nhận của chúng tôi, đợt 1 luôn có trường hợp TS quên mang giấy báo dự thi, máy tính, giấy chứng minh nhân dân… phải gấp rút chạy về phòng trọ lấy. Nhiều TS kịp dự thi nhưng một số TS đành bất lực vì thời gian không còn kịp. ThS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Không hiểu vì sao quy định phải có mặt tại hội đồng thi trước 6 giờ 30 vào buổi sáng và 13 giờ 30 vào buổi chiều nhưng TS vẫn đi trễ. Ở đợt 1, một TS đến trễ sau khi đã phát đề nhưng vì chưa quá 15 phút nên vẫn được vào làm bài, còn một TS đến trễ 20 phút sau khi bóc đề nên không được dự thi nhưng vì TS khóc và năn nỉ để được dự thi nên được bố trí phòng thi riêng. Tuy nhiên, bài thi của TS không được công nhận và TS không được dự thi những môn tiếp theo”.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khác lại vi phạm quy chế một cách... hồn nhiên. Trong khi quy chế tuyển sinh quy định rõ: “Khi hết giờ thi phải ngừng làm bài và nộp bài cho cán bộ coi thi”. Thế nhưng rất nhiều trường hợp khi có hiệu lệnh thu bài, được cán bộ coi thi nhắc nhở nhưng TS vẫn cố gắng viết thêm và bị lập biên bản ở mức khiển trách. Trường hợp này, theo quy chế, TS sẽ bị trừ 25% điểm bài thi môn bị lập biên bản, còn điểm của bài thi các môn khác giữ nguyên.

Điện thoại di động và tin nhắn “chết người”

Đợt 2 được xác định có nhiều khối thi, môn thi và nhiều môn tự luận nên dự báo có thể TS sẽ liều sử dụng tài liệu để quay bài. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “TS đừng bao giờ nghĩ bằng con đường tiêu cực có thể đạt kết quả cao hơn để vào ĐH, vì kỳ thi có tính cạnh tranh cao nên hành vi gian lận nào cũng bị phát hiện. Sức học đến đâu thì làm bài đến đó, nỗ lực hết bản thân mình”.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các hội đồng thi nhắc TS dứt khoát không mang điện thoại di động vào phòng thi dù sử dụng hay chưa. Trong đợt 1 khối A vừa qua, dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần nhưng hầu hết lỗi TS bị đình chỉ thi đều do mang điện thoại di động.

Tại điểm thi của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, sau 1/3 thời gian làm bài thi môn toán, điện thoại của TS bỗng nhận được tin nhắn của ngân hàng chúc mừng sinh nhật. Tại điểm thi của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, cán bộ coi thi phát hiện TS mang điện thoại di động dù điện thoại đã tắt nguồn. Một TS thi vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM đi trễ và khi tới phòng thi bất ngờ điện thoại đổ chuông vì người nhà hỏi: “Đã vào phòng thi chưa?”, ngay lập tức TS bị đình chỉ thi…

QUỐC DŨNG

(*) Mời bạn đọc xem trên các số báo ra ngày 10 và 11-7 gợi ý bài giải các môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 năm 2013. Trên trang web của báoPháp Luật TP.HCM (http://phapluattp.vn) sẽ cập nhật liên tục gợi ý giải đề thi sau mỗi buổi thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm