Tuyển sinh ĐH năm 2019: Giảm ảo nhưng còn “chiêu trò”

Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2019 cơ bản hoàn tất. Đây được xem là năm có nhiều đổi mới trong tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy nhiên, nhiều sự cố vẫn còn xảy ra khiến dư luận không khỏi đặt vấn đề về hiệu quả và chất lượng tuyển sinh năm nay.

Dần tiến tới tự chủ

PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đánh giá công tác tuyển sinh năm nay thực hiện tốt ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, dường như chỉ mới tạo điều kiện cho các em thêm nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, không còn tình trạng thí sinh điểm cao bị rớt ĐH, mà chưa đảm bảo trúng tuyển đúng ngành nghề phù hợp cho các em.

“Các em được đăng ký nhiều nguyện vọng (NV), chọn nhiều phương thức tuyển sinh, cơ hội trúng tuyển ĐH rất lớn nhưng chất lượng về định hướng nghề nghiệp không cao. Thực tế có những em trúng tuyển ĐH ở những NV 5, 6 trở đi đều không theo học được lâu dài vì không phù hợp, thường là những ngành học không ưu tiên” - PGS-TS Hướng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng còn nhiều trường ĐH, nhất là các trường tư thục và trường ở tỉnh, có mức điểm sàn xét tuyển và điểm chuẩn tương đối thấp. Một số trường nâng điểm một số ngành để đánh rớt thí sinh do số lượng đăng ký quá ít. Điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến chất lượng đào tạo, nhất là với những trường và ngành có điểm đầu vào thấp.

“Chưa kể mặc dù thí sinh có nhiều NV nhưng thực ra người nắm đằng cán vẫn là các trường, với cách lọc ảo thì xu hướng tiếp cận tuyển sinh vẫn đem lại lợi ích cho trường chứ chưa phải hướng tới thí sinh. Thí sinh vẫn chỉ có một sự lựa chọn duy nhất sau lọc ảo” - ThS Sơn nói.

Lãnh đạo phụ trách tuyển sinh ở một trường ĐH tại TP.HCM cho hay năm nay hầu như các trường ĐH lớn vẫn duy trì phần lớn chỉ tiêu cho phương thức dùng điểm thi THPT quốc gia, sự quan tâm của thí sinh cũng lớn. Một số trường đã dùng cơ hội này thành “chiêu trò” nhằm quảng bá hình ảnh của nhà trường khi lấy điểm chuẩn cao nhưng thực chất họ dành quá ít chỉ tiêu cho phương thức này, phần lớn chỉ tiêu còn lại là từ các phương án như xét học bạ, đánh giá riêng của trường...

“Điều này dần làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ĐH trong bối cảnh công tác kiểm định chưa được triển khai hết ở các trường. Vấn đề này cần được xem xét để có giải pháp phù hợp khi tăng vai trò tự chủ ĐH” - vị này nói.

Thí sinh nộp hồ sơ xác nhận nhập học tại Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: PHẠM ANH

Cần siết chỉ tiêu, đóng cửa trường yếu kém

Như trước đó, đánh giá chung về kết quả tuyển sinh ĐH đợt 1 năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho rằng điểm chuẩn năm nay đã bộc lộ sự phân tầng chất lượng trong hệ thống các trường ĐH, phản ánh chất lượng đầu vào trong tuyển sinh. Đa số các trường xác định điểm trúng tuyển thấp là trường chất lượng thấp, chưa có uy tín để thu hút học sinh giỏi. Ngược lại, những trường có chính sách chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26-27 điểm. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường, sự minh bạch về chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Đây sẽ là căn cứ rất cần thiết và hữu ích cho xã hội trong điều kiện tự chủ ĐH và tạo ra sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng tuyển sinh lẫn đào tạo.

PGS-TS Đồng Văn Hướng cho rằng chất lượng đầu vào có thể chưa cao nhưng đó chỉ là một trong những điều kiện, quan trọng nhất là chất lượng đào tạo và sự nỗ lực của người học để làm sao đầu ra đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

“Luật đã cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh, cơ quan quản lý như Bộ GD&ĐT không thể can thiệp sâu nhưng cần kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh chặt chẽ hơn. Tức là việc xác định chỉ tiêu của các trường phải thông qua năng lực đào tạo, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm... thì chỉ tiêu đó mới thực chất” - PGS-TS Hướng góp ý.

Tương tự, theo ThS Phạm Thái Sơn, với thực tế tuyển sinh như hiện nay, cần có một chuẩn đánh giá chung cho các trường. Và ở đây chính là việc phải xây dựng trung tâm khảo thí cấp quốc gia nhằm làm dịch vụ đánh giá cho các trường về tuyển sinh đầu vào cũng như các kỹ năng chung như ngoại ngữ, tin học...

Đồng thời cần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, gắn liền kiểm định với trách nhiệm giải trình và công khai thông tin để thí sinh, phụ huynh và doanh nghiệp tìm hiểu, không cứ phải chờ sai phạm mới làm, cần mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường kém chất lượng. Quy hoạch lại hệ thống các trường một cách khoa học và có tầm nhìn xa.

Sẽ thanh tra, kiểm tra việc đào tạo ở trường có điểm chuẩn thấp

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường có điểm chuẩn thấp để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Vừa qua, Bộ đã thanh tra một số trường và sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những trường xác định điểm trúng tuyển thấp và các trường có dấu hiệu thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNGVụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm