Ưu đãi cho đầu tư trường mầm non

Sáng qua, 21-5, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp thực hiện xã hội hóa giáo dục mầm non”. Theo Sở GD&ĐT, hiện TP có gần 639 trường mầm non, trong đó có 385 trường công lập, 254 trường tư thục và trên 850 nhóm lớp tư thục, nuôi dạy trên 250.000 trẻ. Hoạt động chăm trẻ tại các cơ sở tư thục, dân lập đang là điều rất cần được TP quan tâm, chấn chỉnh.

Chưa đảm bảo yêu cầu chăm sóc trẻ...

Trong những năm qua, các cơ sở mầm non tư thục phát triển rất nhanh, đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số cơ học của thành phố, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tập trung đông nhất là các quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, quận 12, Hóc Môn. Mức thu học phí hiện nay của các cơ sở này là 200.000-500.000 đồng/trẻ/tháng. Cá biệt có nơi thu 120.000-150.000 đồng/trẻ/tháng.

Điều đáng nói là các nhóm trẻ này hoạt động với chất lượng kém, thiếu sân chơi, thiếu ánh sáng, không đảm bảo vệ sinh, sức khỏe và tiềm ẩn nhiều rủi ro, an toàn tính mạng cho trẻ. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “Nhiều cơ sở có mức thu học phí thấp, không trả lương giáo viên thỏa đáng nên không tuyển được giáo viên có trình độ chuyên môn. Chỉ có bảo mẫu đào tạo ba tháng ra đảm nhận công việc nên không đảm bảo yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ. Một số cơ sở chưa đảm bảo công khai tiền ăn và chi hết tiền ăn của trẻ hoặc chưa mua thực phẩm an toàn nên nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn...

Đại diện Phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho biết đội ngũ nhân sự từ quản lý đến giáo viên trực tiếp chăm sóc trẻ không ổn định, thường xuyên thay đổi, nhiều cơ sở không có cán bộ y tế. Nhiều cơ sở thu tiền ăn rất thấp nhằm thu hút được nhiều trẻ gửi vào, chưa quan tâm đến khuyến cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ...

Đầu tư vào bậc mầm non: Ái ngại...

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng phát biểu: “Nhà nước nên quan tâm đến bậc giáo dục mầm non vì đây chính là sự quan tâm cho chất lượng nòi giống Việt Nam trong tương lai”.

Theo nhận định của tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nếu như bậc đại học người ta sẵn sàng bỏ ra vài trăm tỷ đồng để đầu tư thu lợi thì các nhà đầu tư lại không muốn tham gia với bậc mầm non vì đây là bậc học có lợi nhuận thấp nhất.

Bà Lê Thị Xuân Hồng - Phó Chủ tịch UBND quận 9 cho biết: Quận luôn kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở trường mầm non vào khu vực vùng sâu nhằm tạo điều kiện cho những gia đình lao động nghèo nhưng xem ra không thấy nhà đầu tư nào mặn mà việc này. Bà Hồng đề nghị lãnh đạo thành phố cần có cơ chế khuyến khích đầu tư mạnh hơn vào bậc học này.

Từ thực tế này, bà Lê Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện còn phường, xã trắng về giáo dục mầm non xây dựng đủ mỗi phường, xã ít nhất một trường công lập. Cụ thể là các quận 3, 4, 6, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân. Các quận vùng ven như quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú còn thiếu chỗ học, cần phải cải tạo, xây dựng lại các trường mầm non công lập. Các khu công nghiệp, khu dân cư mới, nhà máy phải quy hoạch xây dựng trường mầm non...

Theo tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, những giải pháp căn cơ từ phía nhà nước là nên cho các trường mầm non được thuê đất với giá ưu đãi vì thực tế hiện nay rất ít nhà đầu tư chịu đầu tư vào bậc học này. Miễn thuế cho các nhà đầu tư giáo dục. Đầu tư đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, giáo viên...

Chấn chỉnh những quy định thiếu thực tế

Nhiều ý kiến cũng đề nghị chấn chỉnh những quy định chưa “ăn khớp” với thực tế công tác quản lý và chăm sóc trẻ bậc mầm mon hiện nay. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chủ cơ sở mầm non tư thục phải được bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất là 30 ngày hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý ngắn hạn. Các ý kiến đều cho rằng Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh rõ ràng hơn là trình độ chuyên môn tối thiểu phải đạt trung học sư phạm mầm non mới có kiến thức tối thiểu để quản lý việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu theo yêu cầu của bậc học này.

Về hành vi sử dụng giáo viên mầm non không đủ chuẩn, Nghị định 49/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, quy định mức xử phạt chỉ là cảnh cáo. Theo các đại biểu, nếu áp dụng mức xử phạt này đối với các cơ sở vi phạm là không hiệu quả, không đủ sức răn đe. Thực tế đã chứng minh các trường hợp trẻ chết tại các cơ sở mầm non tư thục là do cô giáo không biết xử lý tình huống vì không có chuyên môn. Vì vậy đại diện các phòng giáo dục đề nghị điều chỉnh: “Phạt từ ba triệu đến 10 triệu đồng nếu sử dụng giáo viên không đủ chuẩn”.

Trước mắt, Sở GD&ĐT cho biết sẽ kiến nghị UBND TP.HCM thay đổi ít nhất hai khoản thu: vệ sinh phí ít nhất 10.000 đồng/tháng (hiện chỉ 5.000 đồng). Tiền học buổi thứ hai và phục vụ bán trú tối thiểu 150.000 đồng/tháng/cháu (hiện chỉ thu 100.000 đồng). Hỗ trợ cho học sinh và giáo viên mầm non ngoài công lập được hưởng một phần định mức kinh phí từ ngân sách như các trường công lập với mức 500.000 đồng/trẻ/ năm.

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm