Vụ 231 cái tát: Đổ cho bệnh thành tích là vô trách nhiệm

TS xã hội học-ThS tâm lý Phạm Thị Thúy là tác giả của nhiều cuốn sách viết về phương pháp giáo dục trẻ em. Thời gian qua, bà cũng đã tham gia nhiều buổi tập huấn dành cho các giảng viên, giáo viên các bậc học về phương pháp sư phạm tích cực. Bà đã dành cho báo Pháp Luật TP.HCM một cuộc trò chuyện xung quanh vụ một cô giáo Quảng Bình cho cả lớp tát một em học sinh 230 cái tát, cô cũng đã tát em một cái. Hậu quả, em phải nhập viện.

Không tưởng tượng được tổn hại lâu dài với bọn trẻ

. Phóng viên: Là một chuyên gia tâm lý, bà nhìn nhận thế nào về mức độ tổn thương của em học sinh khi bị tát đến 231 cái trước cả lớp như thế?

+ TS Phạm Thị Thúy: Việc bị tát trước cả lớp gây ra hậu quả rất là nghiêm trọng. Những tổn thương về thể chất thì rõ rồi. Nhưng những tổn thương về tinh thần thì chúng ta không thể đo đếm được. Em học sinh đó có còn lòng tin vào con người nữa hay không khi chính cô giáo dạy mình còn đối xử với mình như vậy? Hậu quả lớn hơn nữa là 23 đứa trẻ vừa phải chứng kiến hành vi bạo lực của cô với bạn của mình, vừa chính tay mình phải tát bạn mình, anh em họ học cùng lớp cũng phải tát nạn nhân vì sợ cô trừng phạt lại mình. Tôi không biết cái mầm bạo lực này nó gieo trong các em sẽ ảnh hưởng đến mức nào trong tương lai, tôi không thể tưởng tượng được!

TS Phạm Thị Thúy cho rằng cái gốc của vụ lùm xùm 231 cái tát chính là sự thiếu hụt đạo đức sư phạm của giáo viên. Ảnh: NVCC 

. Thưa bà, đây không phải là vụ bạo hành học trò đầu tiên xảy ra. Thời gian qua có khá nhiều những thông tin đáng buồn như thế. Tại sao bạo lực từ chính giáo viên lại dễ dàng khởi phát như vậy?

+ Có vẻ như nhiều nhiều giáo viên đang chấp nhận việc trừng phạt học sinh bằng bạo lực là điều có thể chấp nhận được ở mức độ nào đó. Nhiều thầy cô chú tâm đến thành tích và cho mình quyền hành xử như thế với học sinh. Đó là một vấn đề vô cùng nặng nề trong ngành giáo dục. Cô giáo đó đã bị đình chỉ công tác. Nhưng đình chỉ việc dạy học của cô giáo mới giải quyết được một vấn đề rất nhỏ là xử phạt mà thôi.

Bệnh thành tích chỉ là nguyên nhân bề nổi

. Thưa bà, có phải bệnh thành tích tạo ra áp lực quá lớn lên giáo viên, dẫn đến việc họ sử dụng bạo lực như một phương pháp để có kết quả thi đua tốt không?

+ Sự việc xảy ra khi ngành giáo dục đang tồn tại rất nhiều vấn đề khác nên người ta dễ dàng lý giải nguyên nhân chính là do “bệnh thành tích”. Nhưng đó là nguyên nhân bề mặt thôi. Bệnh thành tích có từ lâu rồi. Nguyên nhân từ bệnh thành tích là có. Nhưng nếu nguyên nhân chính là bệnh thành tích thì các giáo viên khác cũng sẽ đánh học sinh vì thành tích hay sao? Không phải vậy, số giáo viên đánh học sinh chỉ là con số nhỏ giữa rất nhiều giáo viên đang đứng lớp.

Các giáo viên khác họ có phương pháp khác. Vẫn có rất nhiều giáo viên đến với học sinh bằng tình yêu thương, họ sử dụng các phương pháp sư phạm tích cực, làm cho những giờ học trở nên hạnh phúc. Họ làm cho học trò hoạt động tích cực, không có thời gian quậy phá, không có cơ hội vi phạm kỷ luật. Tôi biết nhiều giáo viên như vậy. Nên nếu đổ tội cho bệnh thành tích thì chỉ là sự ngụy biện. Nó là một cách phủ nhận trách nhiệm cá nhân. Vấn đề là đạo đức sư phạm họ không có nên họ mới có thể đánh một đứa trẻ không có khả năng phòng vệ, đó là điều không chấp nhận được.

Một số người còn đổ lỗi là tại em học sinh đó hư, tại cha mẹ không biết dạy con nên cô giáo bực quá phải trừng phạt. Đó cũng là một nguyên nhân gây ức chế cho giáo viên. Nhưng là giáo viên, các thầy cô cần nhớ là không được quyền xúc phạm lên thân thể, nhân phẩm của một đứa trẻ vì bất cứ lý do gì. Đừng đổ lỗi cho bất cứ điều gì ngoài đạo đức sư phạm của chính mình.

Quản lý giáo dục đang tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng

. Thưa bà, đâu là giải pháp để loại trừ bạo lực đến từ các giáo viên trong nhà trường?

+ Tôi không thể chấp nhận hành vi của cô giáo. Cô giáo này cần dừng ngay việc giảng dạy. Cô cần chuyển sang công việc khác.

Nhưng tôi cũng mong mọi người có một cái nhìn đa chiều hơn. Tại sao cô giáo lại có thể tát học trò như kẻ thù? Tại sao các hành vi của cô giáo lại được dung túng một thời gian dài mà cô không nhận ra sai lầm của mình? Cô đã hành hạ nhiều chứ không phải một đứa trẻ. Nguyên nhân sâu xa hơn chính là từ việc đào tạo, từ môi trường giáo dục, từ cách thức quản lý giáo dục của chúng ta đều đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng. Áp lực từ căn bệnh thành tích cũng là một vấn đề. Chúng ta đã để giáo viên phải đối mặt quá nhiều vấn đề. Có rất nhiều giáo viên nữa cũng đang phải chịu đựng những bất cập đó.

Đã đến lúc ngành chức năng nên có nghiên cứu bài bản về các vấn nạn trong giáo dục và đặt ra giải pháp phải giúp đỡ các giáo viên. Hãy giúp đỡ giáo viên để họ được dạy học trong sự vui vẻ, hạnh phúc, không phải là trong áp lực. Các trường sư phạm cần đào tạo các sinh viên trở thành người có lòng nhân ái với học trò, có kỹ năng sư phạm tốt để ứng xử với học trò.

 . Xin cám ơn bà.

“Không có học trò hư, chỉ có thầy chưa tốt”

Hồi đầu tháng 11, một giáo viên âm nhạc, 64 tuổi của Trường Trung học Maywood Academy Marston Riley, Califonia, Mỹ đã bị bắt vì hành động đấm vào mặt cậu học trò 14 tuổi, theo CNN.

Đoạn clip ghi lại sự việc cho thấy học sinh 14 tuổi này không mặc đúng đồng phục đến lớp và thầy Marston Riley đã yêu cầu học sinh này ra khỏi lớp. Thay vì chấp hành, cậu học sinh đã có lời lẽ thách thức và lăng mạ giáo viên này khiến ông không giữ được bình tĩnh và tung cú đấm.

Sau sự việc, giáo viên Riley bị bắt tạm giam vào nhà tù Los Angeles, phải đóng 50.000 USD tiền bảo lãnh để ra ngoài chờ xét xử. Ông bị truy tố tội lạm dụng trẻ em. Phiên buộc tội giáo viên Riley sẽ diễn ra vào ngày 30-11 tới.

Mặc dù nhiều học sinh, phụ huynh lên tiếng bảo vệ giáo viên này vì cho rằng cậu học sinh đã có thái độ hỗn hào với thầy. Tuy nhiên, một số người cho rằng bạo lực học đường là điều không thể chấp nhận dù cho nguyên do là gì đi nữa.

Trước đó, vào tháng 2-2016, một nữ giáo viên của trường nữ sinh Anula Devi ở TP Galle, Sri Lanka đã buộc 44/50 học sinh trong lớp đánh một bạn gái cùng lớp vì tội nói chuyện trong lớp học, Colombotelegraph dẫn lời Ủy ban Nhân quyền châu Á (AHRC).

Vụ việc khiến cô bé 10 tuổi bị đánh bị tổn hại về thể chất và tinh thần nghiêm trọng. Giáo viên này sau đó bị bắt và bị truy tố về tội tàn ác với trẻ em.

Một thầy giáo sống ở Đài Loan từng nói “Không có học trò hư, chỉ có thầy chưa tốt” và nhận được sự đồng tình của số đông. Vậy nên để có thể giáo dục học trò, chính bản thân người thầy phải là tấm gương sáng cũng như hội tụ những phẩm chất tốt thì mới khiến các em nể phục và học tập. Thêm vào đó, khi giao tiếp với đồng nghiệp cũng như học sinh, giáo viên cần phải khẳng định mình là người lịch sự và biết cách cư xử. TÚ QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.