Xây dựng Luật Nhà giáo: Công cụ giám sát GV, hiệu trưởng

Luật Nhà giáo sẽ là công cụ quản lý nhà nước quan trọng để quản lý, sử dụng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước mắt, có hơn một triệu người sẽ có trách nhiệm “nghiên cứu sâu” luật này để đảm bảo chất lượng giáo dục”. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển tại cuộc hội thảo “Đạo đức và chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” tổ chức hôm qua (28-4) tại Hà Nội.

Chuẩn nghề nghiệp để giáo viên đo chính mình

GS-TS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm, cho rằng đạo đức và chuẩn phải là nội dung chính đánh giá giáo viên (GV). Chuẩn nghề nghiệp phải được GV có nhu cầu dùng để đo chính mình. Chuẩn nghề nghiệp cũng phải là nội dung gắn đào tạo ban đầu và bồi dưỡng tại chức GV. Tuy nhiên, để có được động cơ đó không dễ nếu như không có giải pháp quản lý giáo dục phù hợp. GS Báo nêu lên một thực trạng lâu nay là hàng năm đánh giá GV theo tiêu chuẩn thi đua, tiêu chuẩn công chức với những tiêu chí không cụ thể, thiếu chính xác. Phiếu bầu được xem là căn cứ chính để xếp loại khiến nhiều cuộc bầu danh hiệu thi đua, xếp loại GV mất đoàn kết, thủ tiêu động lực.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng chuẩn nghề nghiệp của GV phải do chính các nhà giáo xây dựng. Chuẩn được áp dụng ở mọi cấp học, mọi trình độ nhưng chủ yếu ở bậc giáo dục phổ thông. Ngoài ra, khi GV có đủ điều kiện (đạt nhiều chuẩn) làm nghề dạy học sẽ được cơ quan chức năng (Bộ GD&ĐT hay trường đại học, tổ chức xã hội) cấp chứng chỉ nhà giáo. Chứng chỉ này sẽ là cơ sở để nâng lương cho chính GV đó. Thế nhưng theo TSKH Tiến, trong Luật Nhà giáo, ý tưởng luật hóa một cách tương đối chi tiết về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tuy đáng hoan nghênh nhưng sẽ khó được chấp thuận. Bởi vì xuất phát từ thực tế, chỉ nên có một quy định khung về chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo.

Khó đặt chuẩn cho hiệu trưởng?

Hạn chế hiện nay là Luật Giáo dục và Điều lệ trường mới chỉ đưa ra các tiêu chuẩn hiệu trưởng dưới dạng khung, chưa bao quát được các lĩnh vực và phạm vi của người đứng đầu một trường. Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, xây dựng đạo đức và chuẩn nghề nghiệp hiệu trưởng còn khó khăn hơn nhiều so với chuẩn nghề nghiệp GV. Đó là vì nó phải trả lời được các câu hỏi lựa chọn về vai trò mà người ta mong đợi ở một ông hiệu trưởng: Là nhà lãnh đạo? Là nhà quản lý hành chính? Quản lý doanh nghiệp hay tổng hòa của những vai trò đó? Và nếu như chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo được phân loại thành chuẩn vào nghề và chuẩn nâng cao thì chuẩn nghề nghiệp của hiệu trưởng phải được xây dựng liên tục, phục vụ ba yêu cầu: đào tạo hiệu trưởng tương lai - hiệu trưởng đương nhiệm và hiệu trưởng phát triển nghề. “Về lý thuyết, hiệu trưởng có thể làm tốt các vai trò này nhưng thực tế thì lại là những đòi hỏi quá cao, không hiện thực. Ngay cả các nước đi đầu về chuẩn hóa giáo dục, đến nay mới chỉ có chuẩn dành cho hiệu trưởng trường phổ thông” - TSKH Tiến nói.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Phạm Mạnh Hùng nêu ý kiến khi xây dựng Luật Nhà giáo thì có nên đưa những vấn đề chuẩn nghề nghiệp hiệu trưởng vào luật hay không, mức độ như thế nào thì cần sự bàn bạc dài hơi và cần trải qua thực tiễn. Bởi theo ông Hùng, có những cái chỉ cần dừng ở mức độ chuẩn thôi, không cần phải luật vì chuẩn cũng đã là cái để hướng dẫn thực hiện rồi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ là barem để GV, hiệu trưởng của cơ sở đào tạo đối chiếu chương trình đào tạo của mình xem đã đạt được yêu cầu chưa. Chuẩn sẽ có vai trò công cụ quản lý chuyên môn ở các trường phổ thông. Điều này sẽ tránh được tình trạng mạnh ai nấy làm và làm cho đổi mới dạy học trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong ngành giáo dục.

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều:

Kiểm soát văn hóa phong bì

Trong xã hội hiện nay, tất cả đều có tư tưởng giải quyết công việc bằng phong bì và siêu phong bì. Do đó, một trong những tiêu chí đầu tiên của đạo đức GV chính là kiểm soát được văn hóa phong bì. Tuy nhiên, xóa nó không hề dễ dàng và cần cả xã hội vào cuộc. Cũng có những nhà giáo ở nhà trường rất mẫu mực nhưng có thể ở địa phương thì chưa mẫu mực nhưng những cái đó bị ràng buộc bởi luật công chức, viên chức. Cho nên theo tôi, mức độ giám sát vẫn nặng ở trong nội bộ nhà trường mà chưa có đánh giá của xã hội. Và cái đánh giá này cũng còn mang tính chất chung chung vì hiện nay người ta né tránh, ngại nói thẳng, nói thật. Nên khi xếp loại, đa số xếp loại tốt. Ai đó xếp loại khá đã khó khăn rồi.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Minh Hoa

Địa chỉ: Hà Nội

Email: minhhoa31@...

Nội dung:

Theo tôi việc ban hành luật nhà giáo là không có tính khả thi. Hơn nữa có vẻ rất gò ép. Đạo đức không lẽ cũng phải trở thành luật? Và như thế nào mới là chuẩn? Tôi luôn nghĩ rằng giáo viên là một nghề cao quý. Người giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách làm người. Thế nhưng, giáo viên thực tế cũng là một nghề và những người làm nghề giáo viên cũng chỉ là những người bình thường như những người bình thường khác. Nên có những tiêu chuẩn đánh giá riêng cho nghề giáo viên chứ không nên ban hành luật kiểu này. Khuôn mẫu và cứng nhắc quá. Thời đại của chúng ta bây giờ là thời đại tiên tiến, con người ai cũng có cá tính, có cái tôi riêng...Thực tế cho thấy nhiều giáo viên dạy giỏi, được học sinh vô cùng quý mến nhưng bản thân họ cũng có một vài cái "tật" nào đó....điều đó thì có gì là sai? Không ai là hoàn hảo cả. Khi ban hành luật cho giáo viên như vậy, cái "tôi" cá nhân dường như bị cầm tù. Tôi nghĩ người giáo viên cũng có quyền sống là chính họ.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm