'Xuất hiện sự xung đột giữa giáo viên trẻ và lớn tuổi'

Chiều 14-8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học 2019-2020.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Báo cáo tại hội nghị, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết năm học này dự kiến toàn thành phố tăng hơn 75.000 học sinh. Để đáp ứng đủ chỗ học, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng trường lớp. Dự kiến thành phố sẽ đưa vào sử dụng cho năm học mới gần 1.500 phòng học mới. Do đó, năm học 2019-2020 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.

Bên cạnh đó, công tác sửa chữa, mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học được Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT đã triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết hội nghị được tổ chức như một hình thức giám sát của Mặt trận về công tác chuẩn bị năm học của ngành giáo dục thành phố.

Thông qua quá trình khảo sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đánh giá sự chuẩn bị khá chu đáo của ngành giáo dục cho năm học mới. “Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số vấn đề cần quan tâm” - bà Châu nói.

Theo bà Châu, trong năm học mới, đổi mới công tác dạy học, tăng cường kỹ năng cho học sinh rất quan trọng. Hiện nay ngành giáo dục đang có sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng giáo viên trẻ. Họ là những người năng động, có tâm huyết với nghề và có sự đổi mới hết sức tích cực đối với việc giáo dục kỹ năng cho học sinh. Thế nhưng qua phản ánh của phụ huynh, trong nhà trường đang xảy ra sự xung đột giữa giáo viên trẻ và giáo viên đã lớn tuổi.

Giáo viên trẻ chiếm số lượng ít nhưng luôn muốn đổi mới trong khi giáo viên lớn tuổi chiếm đa số rất khó thay đổi, thậm chí nhiều người vẫn dạy theo cách truyền thống, có thể gọi là “bảo thủ”. Vì thế, muốn đổi mới đòi hỏi sự tâm huyết của ban giám hiệu cũng như bản thân giáo viên thực sự muốn thay đổi.

Ngoài ra, bà Châu cũng cho biết thực tế hiện nay có một bộ phận phụ huynh bị động, giao phó con em cho nhà trường, xem việc dạy dỗ là trách nhiệm và nghĩa vụ của trường. Trong khi đó giáo dục muốn phát triển, phụ huynh phải chủ động liên hệ với trường. Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh phải có một mối quan hệ gắn bó, tương hỗ lẫn nhau.

Mặt khác, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng đề nghị Sở GD&ĐT quan tâm thêm công tác đoàn đội trong nhà trường. Chính những hoạt động này sẽ giúp các em phát triển các kỹ năng cần thiết cho quá trình hội nhập quốc tế.

“Tôi nhớ ngày xưa khi đi học, trong hai buổi tới trường, một buổi học kiến thức, buổi còn lại tham gia các hoạt động. Tôi không biết hiện nay, với việc các trường thực hiện học hai buổi/ngày, trẻ sẽ học như thế nào. Tôi nghĩ Sở GD&ĐT nên có những cuộc kiểm tra đột xuất để nắm tình hinh. Tôi hy vọng trong hai buổi học, trẻ sẽ vừa được cung cấp kiến thức đồng thời được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để trau dồi kỹ năng. Bởi đó là điều cần thiết cho các em sau này” - bà Châu nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm