Giữ lệ gói bánh tét khi Tết đến ở Hóc Môn

Năm nay cũng vậy, gà vừa gáy canh tư là bà Hai lọ mọ thức dậy rồi bày biện nào lá chuối, nếp, đậu, thịt, trứng… trên chiếu cói để gói bánh. Vài người con phụ giúp, trong khi đám cháu ngồi quanh nhìn nội và cô chú gói bánh.

Vừa đổ nếp lên lá chuối, bà Hai vừa nói: “Gói bánh tét phải dùng lá chuối sử hoặc chuối hột. Lá chuối sử bánh sẽ trắng, còn là chuối hột cho bánh màu xanh. Trong khi dùng lá chuối già bánh sẽ đen, nhìn chẳng đẹp”.

Bà Hai cùng con gái gói bánh tét. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bà Hai nói tiếp: “Đòn bánh tét phải được buộc bằng dây chuối trông mới ngon. Dây chuối cắt thành từng sợi nhỏ phơi khô, khi dùng thì ngâm nước cho mềm. Không buộc quá chặt cũng không quá lỏng. Chặt thì bánh khi chín sẽ nứt, còn lỏng thì bánh sẽ mềm”.

“Hiện nhiều người dùng dây ni lon để buộc bánh tét nên nhìn không ngon” – bà Hai cho biết.

Ngưng tay nuốt ngụm trà, bà Hai nói tiếp: “Giờ bánh tét bán đầy chợ nên Tết nhứt hầu như ít người gói. Tình trạng này kéo dài e vài năm nữa con cháu chẳng biết đòn bánh tét được gói ra sao. Tôi tuy tay run mắt mờ nhưng cũng ráng ngồi gói bánh tét để giữ phong tục cổ truyền ngày Tết”.

Cháu nội chăm chú nhìn bà Hai gói bánh tét. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Gói bánh tét cũng là dịp để con cháu quây quần, hàn thuyên trò chuyện. Tối cả nhà ngồi quanh nồi bánh tét sôi sùng sục kể bao chuyện đã qua khiến không khí gia đình thêm ấm cúng” – bà Hai tỏ lòng.

“Bánh tét tự gói được đặt lên bàn thờ gia tiên, thể hiện lòng thành của con cháu với ông bà ông tổ. Bánh tét mang biếu láng giềng mỗi nhà một đòn thể hiện tình làng nghĩa xóm. Quá nhiều điều hay quanh đòn bánh tét nên tôi cố giữ tục lệ gói và nấu bánh tét mỗi khi xuân về” – bà Hai trải lòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm