Hai kỷ lục của bác sĩ Yersin ở Khánh Hòa

Ngày 22-9, tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), Hội Ái mộ Yersin và đông đảo người dân địa phương sẽ long trọng kỷ niệm 157 năm ngày sinh bác sĩ A.Yersin (22-9-1863 – 22-9-2020).

Trong thời gian đầu đến Việt Nam, nhật ký chuyến đi ngày 21-6-1893, Yersin tìm ra Cao nguyên Lâm Viên, Lang Biang (Đà Lạt và xây dựng năm 1899), nhiều năm đi khắp các vùng để thám hiểm, sang Camphuchia, Lào, Ấn Độ…

Tuy nhiên khi nghe tin Hồng Kông bị bệnh dịch hạch, ông xin chính phủ Pháp được đi Hồng Kông tìm hiểu dịch và thật may mắn cho nhân loại, chính ông đã tìm ra Tác nhân gây ra bệnh dịch hạch, cứu sống loài người và trở thành ân nhân của nhân loại.

 Tượng A.Yersin tại công viên mang tên ông ngay bờ biển Nha Trang. Ảnh: CÔNG THI

Trở lại Nha Trang, ông chính thức đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu vào những năm 1895 - 1896. Ông âm thầm cống hiến cả cuộc đời cho khoa học thế giới nói chung và cho y tế dự phòng Việt Nam nói riêng.

Ông đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và hệ thống các Viện Pasteur tại Đông Dương, đem lại hiệu quả vô cùng to lớn trong phòng chống dịch bệnh cho khu vực Đông dương và Châu Á, ông được suy tôn là “Cụ tổ” của ngành y tế dự phòng Việt Nam.

Ông đưa cây cao su, cây canh- ki-na, chà là…vào trồng tại Việt Nam và cả Đông Dương. Ông đưa kính thiên văn về nghiên cứu và giúp thông báo thời tiết khí hậu cho người dân đi biển.

Ngày 27-2-1902, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer, người đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trường thuốc Đông Dương tại Hà Nội (Đại học y Hà Nội ngày nay), cử bác sĩ A Yersin làm Hiệu trưởng và khai giảng khóa học đầu tiên, tới nay trường đã trên trăm năm.

Điều rất thú vị bởi ông đã chọn Nha trang sống và làm việc hơn 50 năm (1891 – 1943). Bác học A. Yersin không chỉ là một bác sĩ tài ba, mà ông còn là nhà nông học, thiên văn học, nhà thám hiểm…nhưng cốt cách tuyệt vời nhất trong ông chính là người có trái tim nhân hậu, tài giỏi mà khiêm nhường.

Ông vượt lên tất cả mọi gian khó khi xa Tổ quốc, xa gia đình, người thân, cống hiến lớn lao cho loài người, nhưng lại yêu đất nước, con người Việt Nam đến mức “xin được an nghỉ vĩnh viễn nơi đây”.

Đáp lại, người dân nơi đây đã dành cho ông nơi yên nghỉ trên một ngọn đồi cách Nha Trang hơn 20 km, xung quanh là cây xanh, cỏ và đầy hoa. Lúc ông tạ thế, hiếm có đám tang ông tây nào lại được người dân chài Xóm Cồn, Xóm Bóng ở Nha Trang tiễn đưa ông với khăn tang trắng đầu, kèn trống và dòng người nối dài hàng cây số.

Ngày nay, rất nhiều đường phố, công viên, trường học…trong cả nước lần lượt được mang tên ông. Là một bác học lừng danh của thế giới, nhưng với người dân xóm chài Nha Trang, ông chỉ là “ông Năm có trái tim nhân hậu”.

Khu mộ, ngôi chùa người dân lập để thờ ông tại Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) và bảo tàng A.Yersin đặt tại Viện Pastuer Nha Trang được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990...

Viện Pasteur Nha Trang mà ông đã khởi dựng và làm việc, giờ đây trở thành trung tâm y tế dự phòng hàng đầu của cả nước.

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 157 của ông, xin trân trọng giới thiệu 2 trong số những kỷ lục của bác sĩ Yersin được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập mới đây gồm:

Kính Thiên văn đầu tiên tại Việt Nam - Kỷ lục: Bảo tàng Yersin – Viện Pasteur Nha Trang

Được thành lập vào năm 1990, Bảo tàng Yersin được đặt ngay trong nhà Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943) ở số 08-10 Trần Phú, TP.Nha Trang. Nơi đây trưng bày các vật dụng cá nhân và thiết bị phòng thí nghiệm của ông, cũng như các bức thư và ảnh gốc từ các chuyến đi của ông ở Việt Nam.

Kính Thiên văn đầu tiên tại Việt Nam.

Sự hấp dẫn của bảo tàng là những đồ vật phong phú về chủng loại nói lên sự thông thái, say mê nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau của chủ nhân.

Từ những chiếc đồng hồ Leroy cổ xưa, ảnh chụp gia đình bác sĩ A.Yerin, các tư liệu bài báo, bút tích những bức thư, ăng ten phát tín hiệu morse, quả địa cầu, các dụng cụ đo điện, khoảng 500 tấm ảnh vừa trên giấy, vừa trên kính, các dụng cụ thí nghiệm... Và đặc biệt là chiếc kính thiên văn ở góc trái căn phòng...

Thông qua các tài liệu và thư của bác sĩ A.Yerin viết cho chị Émilie thì chiếc kính này được đặt mua của hãng Carl Zeiss tại Jena của Đức vào năm 1910 và về đến Nha Trang vào đầu tháng 7 năm 1910. Đây là chiếc kính thiên văn hiện đại nhất vài thời kỳ đó.

Trại chăn nuôi ngựa - Kỷ lục: Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y Tế

Trại chăn nuôi Suối Dầu được Nhà bác học người Pháp Alexandre Yersin thành lập năm 1896 với diện tích ban đầu là 500 ha và hiện nay đang quản lý sử dụng 115 ha, cách thành phố Nha Trang 20 km nằm trên quốc lộ 1A về phía nam thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ngựa ở trại chăn nuôi đang đến địa điểm “hiến máu”.

Khi mới thành lập, trại Suối Dầu là cơ sở cung cấp thức ăn cho đàn ngựa phục vụ cho việc sản xuất huyết thanh trị bệnh dịch hạch tại Viện Pasteur Nha Trang của A.Yersin.

Qua hơn một thế kỷ với nhiều biến cố của thời cuộc, trại Suối Dầu vẫn đứng vững và phát triển. Đây là cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm lâu đời và có quy mô nhất hiện nay tại Việt Nam.

Từ năm 1978 đến nay, trại chăn nuôi Suối Dầu thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế quản lý và sử dụng 125ha đất. Trại là cơ sở hậu cần quan trọng của Viện, cung cấp nguyên liệu đầu và động vật thí nghiệm cho việc sản xuất, nghiên cứu và kiểm định vắc xin và các sinh phẩm y tế.

Hiện nay, đàn ngựa ở đây có gần 400 con để phục vụ sản xuất các loại kháng huyết thanh như Huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT), huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), huyết thanh kháng bệnh dại (SAR), Huyết thanh kháng nọc rắn (SAV)…

Sản lượng sản xuất hàng năm từ 12.000 đến 15.000 lít huyết thanh thô các loại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm