Hàng loạt bưu điện văn hóa xã chờ ngày khai tử

Điểm bưu điện văn hóa xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền hàng ngày cửa đóng then cài, cỏ mọc đầy sân, không có một bóng người. Ông Hồ Ngọc Thạch, Giám đốc Bưu điện huyện Quảng Điền cho biế, dẫu biết chủ trương thực hiện xây dựng bưu điện văn hóa xã là đúng, nhưng sau khi đi vào kinh tế thị trường, khách hàng đến bưu điện đọc báo, gọi điện ngày càng ít dần, các dịch vụ bưu điện giảm sút rõ rệt, doanh thu không hiệu quả.

Nhiều điểm bưu điện văn hóa xã phải cấp bù ngân sách như: Quảng Thành, Quảng Phú, Quảng Vinh (huyện Quảng Điền); Hương Phong, Hương Chữ, Hương Hồ (huyện Hương Trà). Nhiều điểm bưu điện văn hóa xã tổ chức may vá, chầm nón (bưu điện Quảng Phú) và bán cây cảnh (bưu điện Quảng Thái), bán xà phòng, tạp hóa… biến điểm bưu điện văn hóa xã thành nơi kinh doanh, nơi ở của cán bộ bưu điện, tạo nên cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan.

Dù xuất hiện thêm nhiều hình thức kinh doanh như bán thêm thẻ sim, card, bán bảo hiểm xe máy, hay đầu tư mỗi điểm 5 máy nối mạng internet để cứu vãn nhưng hàng tháng các bưu điện vẫn phải bù ngân sách để trả lương cho nhân viên, số khác phải bán tháo các bồn điện thoại. Ông Hồ Đôi, Giám đốc Bưu điện huyện Hương Trà cho biết, do hoạt động không có hiệu quả, một số điểm bưu điện chuyển sang làm đại lý để nhân viên hưởng hoa hồng trên sản phẩm kinh doanh như ở điểm bưu điện văn hóa xã Hương Chữ. 

Một số nhân viên tại các điểm bưu điện, mặc dù công tác nhiều năm, nhưng vừa phải nhận lương thấp, nhiều khi cũng không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Để tồn tại, các nhân viên này phải “cõng” 1001 loại hình kinh doanh (như bán card, sim, bảo hiểm, 56 điểm phải đầu tư thêm quán internet, nhưng nhân viên cũng chỉ hưởng được 10% từ internet).
 
"Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có cách nào “cứu vãn” các điểm bị tê liệt, đơn vị thì cố gắng đầu tư, nhưng tùy vào khả năng của bưu điện và năng lực của mỗi cá nhân nữa", ông Hồ Ngọc Thạch chia sẻ.

Còn ông Võ Hoài Tân, Giám đốc Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế phân trần: “Hàng năm bưu điện tỉnh phải bù lỗ hơn 60 điểm bưu điện văn hóa xã, nhưng nhất quyết phải duy trì nó để phục vụ bà con nhân dân. Không thể loại bỏ điểm bưu điện văn hóa xã là trăn trở của ngành. Do quá khó khăn nên chúng tôi đã tạo điều kiện cho nhân viên sống trong bưu điện, miễn không gây mất mỹ quan là được. Khi cho họ ở và kinh doanh nhiều mặt hàng thì không hợp với tên gọi văn hoá xã, nhưng không có cách nào hơn”.

Theo thống kê, có hơn 60 điểm Theo thống kê, có hơn 60 điểm bưu điện văn hóa xã phải bù lỗ. Các điểm bưu điện văn hóa xã khác không bỏ hoang thì kinh doanh không hiệu quả, nhưng hàng năm phải chi thường xuyên 500.000 đồng/tháng để mua sách vở. Có đến 300 - 500 đầu sách phục vụ cho bà con, nhưng rất ít người đọc.



Theo NGUYỄN PHƯƠNG (Báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm