"Hiệp sĩ" bị nghi thông đồng... rải đinh

Cứ khoảng 8 giờ tối, những chiếc xe lỉnh kỉnh dụng cụ cứu thương, vá xe, bơm tay lại theo chân các hiệp sĩ áo xanh ra đường. Họ tỏa đi khắp các tuyến đường để kịp thời phát hiện những trường hợp cần cứu hộ. Họ là thành viên của CLB Cứu nạn tình nguyện và Đội Cứu hộ phương tiện giao thông Tây Ninh, thành lập được khoảng hai năm nay.

“Lưu số đi, mai mốt xe hư thì gọi”

Khuya 7-2, nhận được tin báo ở góc đường Nguyễn Văn Rốp - Cách Mạng Tháng Tám có một vụ hư xe, anh Nguyễn Hữu Phúc cùng một số thành viên khác tức tốc đến hiện trường.

Lúc này anh Nguyễn Hữu Phước đang lo lắng không biết tính sao với chiếc xe dở chứng rớt nhông mà các tiệm sửa xe đều đã đóng cửa. May sao, chủ quán bún riêu bên đường cho anh số của đội cứu hộ. Sau phút chẩn bệnh, thấy xe bị rớt hai con ốc, anh Phúc điều một thành viên chạy đi kiếm ốc gắn vào xe và nhanh chóng vận hành lại được xe. Anh Phước cảm ơn rối rít, móc ví gửi tiền cho đội cứu hộ nhưng bị từ chối với lời dặn dò: “Lưu số đi, lỡ mai mốt hư xe thì gọi!”.

“Thật may mắn khi gặp các anh giữa đường chứ tôi đang tính thuê xe ba gác chở xe về rồi. Tôi không nghĩ là không quen không biết mà các anh lại giúp nhiệt tình đến như vậy” - anh Phước chia sẻ.

Đi được một đoạn, nhóm gặp hai cô gái đang đẩy bộ xe rất vất vả vì hết xăng. Như đã quen với tình huống này, một thành viên chạy vội lại ngôi chùa gần đó mua xăng lẻ đến tiếp tế. “Nếu đi gần thì tôi có thể rút xăng từ xe mình qua cho đi đỡ nhưng do đi xa nên phải chạy đi mua xăng đổ vào” - anh Phúc nói. Sau khi gửi tiền đúng bằng tiền lít xăng đội mua giùm, hai cô gái vui vẻ lên xe rời đi.

Các “hiệp sĩ” đang sửa xe cho anh Nguyễn Hữu Phước bị hư xe ở góc đường Nguyễn Văn Rốp - Cách Mạng Tháng Tám khuya 7-2. Ảnh: H Lan

Không để lại tên

Mỗi thành viên của CLB Cứu nạn tình nguyện và Đội Cứu hộ phương tiện giao thông Tây Ninh ban ngày mỗi người một việc: tiếp thị mỹ phẩm, bảo vệ công viên, đầu bếp nhưng khi màn đêm buông xuống, họ tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ người gặp nạn giữa đường.

Toàn bộ dụng cụ sửa xe, sơ cấp cứu, chi phí đi lại là do các thành viên tự trang bị, thành viên nào muốn đi mà kẹt không có tiền đổ xăng thì anh em trong đội lại san sẻ cho nhau. Tình cờ, trong một lần cứu xe chết máy cho một doanh nghiệp, đội được ông chủ cảm kích tài trợ cho áo đi mưa và thỉnh thoảng đổ xăng cho các thành viên. Đội cũng kết nối được với hai xe cấp cứu từ thiện trong tỉnh để hỗ trợ chuyển nạn nhân vào bệnh viện.

Chị Trương Đặng Như Ý, thành viên nữ của nhóm, kể: “Khoảng nửa năm trước, vào lúc 10 giờ đêm, đang đi chơi với bạn, tôi gặp đội cứu hộ đang sơ cứu cho một người đàn ông bị xe tông trầy xước giữa trời mưa nên tôi chạy vào phụ rồi cùng đưa người đàn ông vào bệnh viện. Khi ra về, xe của tôi bị bể bánh, anh Phúc phải gỡ ra vá lại đến 1 giờ sáng. Cảm mến sự nhiệt tình của các anh, tôi thường đi theo để phụ giúp, nhờ được chỉ dẫn, tôi cũng đã tự biết vá xe”.

Anh Phúc chia sẻ: Trước khi thành lập đội, anh thường cứu giúp người bị nạn dọc đường nhưng thấy khó khăn vì không nhận được sự hỗ trợ xung quanh. “Nghe có Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh nên tôi tham gia. Được một thời gian, tôi và một số anh em tách ra thành lập Đội Cứu hộ phương tiện giao thông. Có nhiều thành viên hoạt động thì việc cứu hộ sẽ dễ dàng hơn” - anh Phúc nói.

Thế nhưng không ít lần sự giúp đỡ của đội bị nghi ngờ. Cách đây không lâu, nhận được tin báo có một nhóm thanh niên bị thủng bánh xe vào lúc 1 giờ sáng, đội của anh vẫn lặn lội đến nơi và vá cùng lúc cho năm chiếc. Một thanh niên trong nhóm hất hàm hỏi: “Có phải ăn rơ với đội rải đinh để vá xe không?”. Khi biết đội anh chỉ vá miễn phí thì nhóm thanh niên bèn xin lỗi, cảm ơn.

Khi giúp được ai, các thành viên đều không mong nhận được báo đáp nên không bao giờ hỏi xin tên, số liên lạc nhưng cũng có nhiều người nhà nạn nhân hỏi thăm, tìm đến nhà cảm ơn khiến đội rất bất ngờ. Không tự nhận mình là hiệp sĩ nhưng họ đã là “hiệp sĩ” trong lòng của người dân TP Tây Ninh.

Hiện trên địa bàn TP Tây Ninh có Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh hoạt động rất tích cực, được người dân ủng hộ. Thành đoàn Tây Ninh cũng thường xuyên hỗ trợ cho đội nón bảo hiểm, áo đi mưa, kinh phí; tuyên truyền về hoạt động của đội. Ngoài ra Hội Chữ thập đỏ TP còn tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho các thành viên trong đội.

Tôi mới nghe nói về CLB Cứu nạn tình nguyện và Đội Cứu hộ phương tiện giao thông Tây Ninh. Nếu TP có thêm nhiều đội cứu nạn tình nguyện hỗ trợ người dân thì rất là tốt, chúng tôi rất ủng hộ. Hai nhóm này có thể liên hệ để chúng tôi tìm cách hỗ trợ về mặt kinh phí hay tuyên truyền, vận động, định hướng hoạt động cho đội, phối hợp với các cơ quan như Hội Chữ thập đỏ để tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho các thành viên để phát huy việc làm tốt đẹp này.

NGUYỄN TIẾN TÂN, Bí thư Thành đoàn Tây Ninh

Trước nay, hai CLB hoạt động độc lập nhưng nhờ ý nghĩa tốt đẹp, họ đã kết hợp để giúp nhiều người hơn, sắp tới sẽ tiến tới sáp nhập thành một đội. Hai CLB hiện đã thu hút 50 thành viên, trong đó có thành viên từng được cứu hộ đã quay lại tham gia đội. Đến nay hai CLB đã cứu hộ hơn 100 vụ tai nạn và 300 xe gặp trục trặc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm