Hoàn cảnh thương tâm của một người lính

Tây Ninh những ngày này nắng nóng khủng khiếp nhưng anh nhất định không cho ai cởi chiếc áo khoác dày cáu bẩn khỏi người mình. Từ khi bị sốt rét rừng cách đây hơn 20 năm, anh sợ nước hơn sợ nắng nóng.

Anh ngồi lặng lẽ trong căn chòi nhỏ giữa sân nắng, vừa đốt thuốc vừa tự độc thoại nhắc lại những chuyện đã qua. Trí nhớ của anh luôn dừng lại ở tuổi 17, những năm tháng đẹp nhất của thời trai trẻ nhưng cũng đầy ám ảnh chiến tranh.

Chiến tranh qua đi, nỗi đau ở lại

Anh tên Trần Văn Cá, nhà ở ấp 1, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Năm 1988, anh mới chỉ 17 tuổi, chưa đến tuổi nhập ngũ nhưng anh kiên quyết xin đi bộ đội để được vào chiến trường theo gương người anh đang chiến đấu ở Campuchia.

Anh được phân công làm lính trinh sát, đơn vị của anh đóng quân ở gần biên giới Campuchia. Sau hai năm anh Cá nhập ngũ, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, anh trở về nhà với vẻ tiều tụy vì sốt rét, hay nói lảm nhảm, nửa đêm vùng dậy la hét. Những lúc cắt cơn, anh vẫn ráng đi làm để kiếm tiền giúp mẹ gánh vác gia đình. Bà Nguyễn Thị Cẩn - mẹ anh chưa kịp vui mừng vì con trở về đã phải vội vã đưa con nhập viện. Anh lại lên cơn sốt dữ dội, mê man nhiều ngày. Bác sĩ nói với bà Cẩn chỉ chậm chút nữa là anh đã vĩnh viễn không tỉnh dậy.

Cũng từ đó bà Cẩn đã không còn thấy lại hình ảnh anh Cá trước lúc ra đi: khỏe khoắn, đẹp trai, vui tính, yêu đời. Anh thường xuyên lên cơn hoảng loạn. Bà Cẩn đã đưa anh đi chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Cuối cùng tiền bạc đã cạn, bệnh tình của anh Cá vẫn không thuyên giảm, bà Cẩn đành đưa con về nhà.

 
Anh Trần Văn Cá và mẹ. Ảnh: HỒNG MINH

Về nhà, anh hay bỏ nhà đi lang thang, thậm chí còn tấn công người khác vì tưởng họ là kẻ địch. Cũng có lúc anh chạy vào bụi rậm, ôm đầu hoảng hốt: “Chết nhiều quá, chúng giết người nhiều quá”. Những cơn hoảng loạn xảy đến bất cứ khi nào, nhất là khi có ai đó nhắc đến Pol Pot, Khmer Đỏ hoặc tên người con gái anh thương thời trẻ. Sợ có chuyện chẳng lành, bà Cẩn buộc phải làm một việc đau lòng: xích hẳn con trai vào gốc dừa sau nhà.

Anh chỉ chịu mắc võng trên cây để nằm ngủ, không chịu nằm giường, như thói quen thời bộ đội. Bà Cẩn đã cột võng vào hai gốc cây dừa cho anh. Mưa hay nắng, anh cũng nằm ngoài gốc cây, nhất định không chịu vào nhà.

Cách đây bốn năm, một số đồng đội của anh biết chuyện đã góp giúp gia đình anh một ít tiền để anh chữa bệnh và dựng cho anh một căn chòi nhỏ trống bốn phía, chỉ lợp tôn để che mưa, che nắng. Sợi xích được tháo khỏi gốc dừa cột vào chân cột trong chòi. Mưa vẫn lùa, nắng vẫn rọi vào tới chiếc võng anh nằm. Cuộc sống của anh chỉ quanh quẩn trong căn chòi hơn 6 m2. Thời tiết khắc nghiệt, muỗi và côn trùng tấn công hằng ngày nhưng anh rất sợ tắm. Người anh cáu bẩn, hôi hám, da bị nấm loang lổ.

“Tôi là người lính”

Khi các đồng đội đến thăm, “phê bình” anh việc để râu tóc bù xù không chịu cắt gọn, tắm gội, anh Cá đã thay đổi được… vài ngày. Gia cảnh gặp nhiều khó khăn, mẹ anh Cá tuổi cao sức yếu (năm nay 75 tuổi), bà đã tuyệt vọng vì bệnh của anh hơn 20 năm vô phương cứu chữa nên anh Cá đã không được đưa đi chữa bệnh bằng số tiền đồng đội trao cho mẹ anh. Vì thế số phận của anh vẫn bị sợi dây xích cột chặt trong căn chòi trống trải gió lùa.

Căn chòi lợp tôn nóng hầm hập trong cái nắng nung người của vùng đất Tây Ninh, chỗ anh ở nắng, gió lùa bốn phía nhưng vẫn không xua được mùi khai nồng, hỗn hợp của nhiều thứ mùi trộn lại.

Tôi mang chiếc ghế lại bên cạnh anh để ngồi trò chuyện, anh lập tức dịch ra và cảnh giác: “Cô không khai thác được gì đâu. Tôi chỉ nói chuyện với cấp trên của tôi”.

Tôi phải nhắc tên hai người bạn đồng đội thân thiết của anh và nói rằng họ muốn tôi đến thăm anh. Thật bất ngờ, khi tôi vừa nhắc tên, anh đã nhớ ngay, nhớ cả những kỷ niệm thời thanh niên với họ, rồi tiếp tục trò chuyện với tôi. Anh chỉ sợi dây xích khóa chặt cổ chân mình, nói: “Tôi bị xiềng vì có người vu cáo tôi tham nhũng, vi phạm kỷ luật. Nhưng sẽ có người minh oan cho tôi. Tôi phải tiếp tục làm nhiệm vụ của mình”.

Tâm trí của anh đã bị chứng hoang tưởng chi phối nhưng ký ức về đơn vị của mình trong anh vẫn còn nguyên vẹn: “Tôi là lính trinh sát Tiểu đội 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5. Trung đoàn trưởng của tôi là đồng chí Trần Đình Quang”. Nói xong, anh cười rất rạng rỡ, khác hẳn vẻ buồn bã hằng ngày.

Rồi anh đốt thuốc, mắt sáng ngời khi kể về thời làm lính trinh sát, kể về những buổi tối nằm rừng, thấy trời sao ở biên giới cũng giống bầu trời ở quê nhà. Anh vẫn tưởng căn chòi của mình là căn cứ trú ẩn thời chiến. Anh vẫn đợi cấp trên đến khẳng định anh vô tội, ra lệnh mở dây xích cho anh. Trong những câu chuyện pha trộn giữa ký ức và hoang tưởng, anh nói với tôi đầy quả quyết: “Anh em đi công tác mà tôi bị xiềng ở đây, buồn lắm. Nhưng tôi là người lính, tôi không bỏ ngũ, tôi chấp hành lệnh của cấp trên.”

Tôi đã cầm bàn tay đen đúa, cáu bẩn của người lính Trần Văn Cá và suýt bật khóc. Nhưng sau đó anh đã đẩy tay tôi ra, nói: “Có người thương tôi, tôi không dám phụ người ta nhưng tôi sợ làm khổ người ta, ra đi ai biết chết lúc nào!”.

Địa phương cũng đã đặt ra vấn đề xét làm chế độ bệnh binh cho anh nhưng gặp khó về thủ tục pháp lý. Gia đình anh Cá không còn giữ được bất kỳ giấy tờ nào của anh để cung cấp cho địa phương. Nếu đơn vị cũ của anh Cá cung cấp giấy tờ chứng thực thời gian anh phục vụ trong quân ngũ thì mới có căn cứ để xét. Từ tháng 3-2013, anh Cá đã được hưởng chế độ trợ cấp xã hội (diện dành cho đối tượng người bệnh tâm thần, người tàn tật) mỗi tháng 300.000 đồng. Riêng về gia đình anh, mẹ anh và hộ gia đình em trai út anh thuộc diện hộ nghèo rất khó khăn, chúng tôi đã vận động được nhà đại đoàn kết cho họ.

Ông ĐÀO VĂN SỚT, Chủ tịch UBND xã Mỏ Công, Tân Biên, Tây Ninh

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm