Hoàn thiện đạo đức gia đình

Bàn về những tiêu cực trong đạo đức gia đình hiện nay, nhiều người thường chỉ đổ lỗi cho đó là mặt trái của kinh tế thị trường, của lối sống thực dụng phương Tây, với sự lấn át bởi sức mạnh đồng tiền. Còn truyền thống dân tộc ta thì không phải vậy, chủ yếu là nhân ái, thương yêu nhau. Thực ra, hiện tượng cha mẹ hành hạ, đánh đập con cái lại thường bắt nguồn từ quan điểm sống cổ truyền của phương Đông mà mọi người cần có sự nhìn nhận nghiêm túc để tìm ra giải pháp ngăn chặn hữu hiệu hơn.

Quan niệm đề cao quyền gia trưởng

Đạo đức Nho giáo phương Đông mà thành trì là phong kiến Trung Quốc cả ngàn năm vẫn còn nhiều ảnh hưởng trong nếp sống căn bản của người Việt Nam. Đặc trưng của nó là cha mẹ có quyền hành rộng rãi đối với con cái.

Nền nếp gia phong cổ truyền vẫn còn đòi hỏi con cái phải phục tùng cha mẹ triệt để, đến nỗi coi con cái như vật sở hữu của người có công sinh đẻ, nuôi dưỡng mình. Cha mẹ có thể đánh đập, răn dạy con; có quyền cầm cố, bán đợ con, từ bỏ con; trong khi con cái có nghĩa vụ không được làm trái lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ. Trong một bộ phận xã hội, mấy câu “kinh điển” lỗi thời đến ngày nay vẫn còn tồn tại: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”; “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”; “Thương cho roi cho giọt, ghét cho ngọt cho bùi”...

Hoàn thiện đạo đức gia đình ảnh 1

Hạnh phúc gia đình phụ thuộc vào sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên. Ảnh minh họa: HTD

Từ xưa, các bộ luật cổ nổi tiếng của nước ta (như Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long...) đều quy định biện pháp trừng phạt nặng nề đối với hành vi “bất hiếu” của con cái cư xử với cha mẹ mình mà không có biện pháp xử phạt nào dành cho hành vi bất xứng quá đáng của ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Từ đó, mấy khái niệm “công bằng” một cách bất công đã đi vào phong tục tập quán, định ra cách cư xử ở nhiều mức độ tác tệ, bất nhẫn khác nhau.

“Luân thường đạo lý” của người xưa vẫn còn đè nặng lên người “có hiếu” là phải tuyệt đối tôn trọng ý muốn của các bậc trưởng thượng trong gia đình. Nếu làm trái lại thì cha mẹ vẫn có thể đối xử bằng nhiều cách khác nhau như la rầy, chửi mắng, đánh đập, hành hạ, có khi khốc liệt như giam nhốt, chém, giết! Cũng có khi vì phải chứng kiến cảnh con cháu quá ngổ ngáo, trịch thượng, có hành vi trái đạo lý, luân thường mà cha mẹ phải ra tay!

Cộng thêm tác hại của lối sống mới

Trong tình hình hiện nay, tồn tại tiêu cực của xã hội cổ truyền chưa thể bài trừ, dẹp bỏ hết được mà hiện tượng bất lợi của nếp sống mới - nền kinh tế thị trường - đã ập vào một cách quyết liệt! Nó khuyến khích lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, sùng bái đồng tiền… Còn không ít trường hợp vì hoàn cảnh khó khăn hoặc chịu không nổi trước cám dỗ của đồng tiền và danh lợi mà nhiều người tỏ ra bình thản chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ cha mẹ con, coi thường pháp luật.

Hoàn thiện đạo đức gia đình ảnh 2

Quan niệm gia trưởng khiến cha mẹ tự cho mình có quyền sinh-sát đối với con. Ảnh minh họa: BH

Bạo hành gia đình thể hiện qua sự ngược đãi, hành hạ, áp bức con cái về nhiều phương diện, không chỉ diễn ra ở thành thị mà cả ở nông thôn; không chỉ xảy ra trong nhóm những người nghèo khó, thất cơ lỡ vận mà cả ở những người có thu nhập cao, gia đình bề thế, khá giả! Trong đó, bạo lực của cha mẹ đối với con cái gây ra hậu quả nặng nề, làm xúc động đến lương tri toàn xã hội, để lại ảnh hưởng sâu sắc trong suốt cuộc đời của đứa trẻ: Ngoài những thương tích hằn trên thân thể, sức khỏe qua bệnh tật, còn có những tác hại khôn lường đến đời sống tâm lý và hành vi ứng xử của con người. Từ đó đã dẫn lớp người trẻ - tương lai của xã hội - đến nhiều loại hành vi sai trái nghiêm trọng hơn.

Công việc cần làm ngay

Hạnh phúc gia đình phụ thuộc rất nhiều vào sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình: Từ cách cư xử của con cái đối với cha mẹ đến mối quan hệ giữa cha mẹ đối với con của mình. Tình trạng xâm hại trẻ em trong gia đình và ngoài xã hội hiện đang diễn ra thường xuyên, khá phổ biến và phức tạp. Vậy mà dường như chưa được sự can thiệp kịp thời, bảo vệ và xử lý nghiêm minh, đúng mức.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường giáo dục nếp sống và sự hình thành nhân cách. Việc xây dựng đạo đức gia đình bền vững là một nội dung cấp thiết trong điều kiện xã hội hiện nay. Vì các giá trị đạo đức gia đình Việt Nam đang biến động trầm trọng.

Pháp luật và chính sách của Đảng và Nhà nước từ lâu có quan tâm, nhưng có lẽ vấn đề cần được chú ý thích đáng hơn hết là việc xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận; nâng cao ý thức nghĩa vụ đối với mọi thành viên, trong đó có điều quan trọng là nỗ lực hoàn thiện đạo đức gia đình thể hiện qua hành vi ứng xử của bản thân những người làm cha mẹ.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm