Hơn 28,2 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề về việc làm do dịch COVID-19

Ngày 12-10, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021.

Hàng triệu người mất việc làm

Phát biểu tại đây, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

Đặc biệt, tại các tỉnh và thành phố trọng điểm kinh tế, dịch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình lao động việc làm của nước ta.

Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng, với hàng loạt kỉ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu người mất việc làm, cắt giảm thu nhập, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên khó khăn.

Toàn cảnh buổi họp báo sáng nay. Ảnh P.H

Tính riêng trong quý 3 năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong đó, có 4,7 triệu người mất việc; 14,7 triệu người phải tạm ngừng; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18, 9 triệu người bị giảm thu nhập.

Về lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 1,4 triệu người, khu vực thành thị giảm 583 ngàn người.

Sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia lực lượng lao động làm tỉ lệ lao động xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua với 65,6 %, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và 3,9 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước.

Trong cơn bão đại dịch, Đông Nam Bộ là vùng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động với 62,8%, tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 65,4%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 66,8%.

Lao động việc làm tiếp tục giảm sâu nhất từ trước tới nay, giảm 2,7 triệu người so với cùng kì năm trước. Số lao động có việc làm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua (47,2 triệu người).

Giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng đã làm ảnh hưởng trầm trọng thị trường lao động tới ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ, số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có.

Trái ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng lên, trái ngược với những xu hướng trước đây, chủ yếu do lao động mất việc làm tại các tỉnh, thành phía Nam quay trở về địa phương.

Theo thống kê, số lao động việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 657 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức, mà còn lan rộng tới các khu vực phi chính thức, khiến người lao động không còn cơ hội tìm việc làm phi chính thức chưa từng thấy trước đây, dẫn đến nhiều người không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Trong 9 tháng năm 2021, có hơn 1,3 triệu người trong độ tuổi thiếu việc làm, tăng 187,2 nghìn người so với cùng kì năm trước. Như vậy, dịch bệnh làm tỉ lệ và số người lao động thiếu việc làm trong quý 3 năm 2021 tăng cao bất thường, đặc biệt ở TP.HCM.

Thu nhập ở mức thấp nhất trong 10 năm qua

Thu nhập bình quân tháng của lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Mức thu nhập trên cũng thấp hơn đáng kể so với quý 2 năm 2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý 2 năm 2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh. P.H

Thu nhập bình quân tháng của TP.HCM ở mức 5,8 triệu đồng, trong khi đó lao động ở TP.Hà Nội chịu tác động nhẹ hơn rất nhiều, với 7 triệu đồng/người…

Trong số khoảng 1,3 triệu lao động về quê thời gian qua, có 34% là người đang làm việc, 38% không có việc làm, số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại rủi ro dịch bệnh.

Trong quý 4, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục điều tra để đánh giá đầy đủ hơn tình trạng lao động về quê có việc làm hay không, số liệu sẽ công bố trong báo cáo quý 4 năm nay.

Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu hụt lao động tại các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương trong quý 4 và những tháng đầu năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhận định điều này gần như không thể xảy ra, vì doanh nghiệp không thể mở cửa ồ ạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm