Kết thúc một cuộc hôn nhân

Nhà tâm lý học Cynthia Hickman đã vạch ra 7 biện pháp giúp bạn đạt được những điều đó khi phải đối mặt với bước ngoặt lớn trong cuộc sống. Khi kết hôn, không ai muốn có ngày này, nhưng nếu phải có hãy để nó diễn ra ít bi đát nhất.

1. Bắt đầu từ từ

Dành thời gian để chuẩn bị tinh thần và giảm sốc tình cảm cho cả hai bên. Hãy suy nghĩ về tương lai, sau đó sắp xếp những việc cần làm để quá trình thay đổi không quá đột ngột, có thể gây đau thương cho đối tác. Hãy can đảm để nói cho đối tác biết sự thật, rằng bạn biết mối quan hệ của hai người đã đi đến hồi kết. Nên nói chuyện với nhau nhiều lần trước lúc đưa ra quyết định để cả hai có thời gian xem xét lại và có thể thay đổi nếu vẫn còn đường cứu vãn.

2. Chuẩn bị cho trạng thái tâm lý phức tạp

Cảm xúc của bạn có thể xoay vòng, lên - xuống, quyết tâm – thoái lui theo từng khoảnh khắc. Lúc đầu có thể nóng lòng tìm đến tự do, sự giải thoát, nhưng rồi lại tiếc nuối, đau khổ, ganh tỵ, dằn vặt…. Đây là tâm lý thường thấy. Không ai khi ly hôn mà không giằng xé. Tránh những hành vi tiêu cực như uống rượu, buông thả để quên sầu. Hãy nhẹ nhàng với chính mình và giữ một số thói quen tốt để duy trì sự ổn định tâm lý.

3. Dùng lý trí để không đổ lỗi

Không mang theo những nỗi buồn cũ vào cuộc sống hiện tại và càng không đem vào những mối quan hệ tiếp theo của bạn. Cả hai phải cùng kết thúc mối quan hệ không còn hi vọng trong trạng thái không đổ lỗi cho nhau, cho bản thân và không phỉ báng đối tác của mình. Có một câu danh ngôn khá hay là : “Đừng bôi tro trát trấu lên gương mặt mình đã từng hôn”. Suy nghĩ ra vấn đề của bạn là gì, của người ấy là gì một cách bao dung, đừng khắc nghiệt với đối tác hoặc chính bản thân mình.

Kết thúc một cuộc hôn nhân ảnh 2

4. Đánh giá mặt tốt

Sau một cuộc ly hôn người ta có thể bị trầm cảm vì hai lý do: oán trách bản thân mình hoặc thù hận đối phương. Nếu không thể chung sống, nghĩ gì trong hai hướng đó đều không có lợi cho ai cả. Cần ngăn ngừa tình trạng này bằng cách đạt đến một quan niệm lành mạnh, dứt khoát, không lưu luyến quá khứ nhưng cũng không phủ nhận điều tốt đẹp trong thời gian qua. Người bạn đời trước đây đã làm được những điều gì tốt cho bạn, cho gia đình chung của hai người? Bạn đã đóng góp những gì? Những gì bạn có thể vừa tự hào, hãy nói với nhau điều đó và hãy lưu giữ điều đó mà thôi.

5. Đừng chỉ kết thúc một mối quan hệ, hãy hoàn thành nó

Có những cuộc đối thoại cần thiết để bạn có thể có sự bình yên với quyết định của mình. Bạn có thể có nhiều hoạt động chung trước khi kết thúc mọi thứ, không sao cả. Cùng ăn tối, đi thăm gia đình hai bên, cùng dành không gian riêng để nói hết những điều trong lòng mình. Để hoàn thành một chặng đường chung trong tư thế tôn trọng lẫn nhau, hãy cố gắng hết sức để trở thành bạn sau kho chia tay.

6. Thừa nhận khoảng thời gian chuyển tiếp

Đừng vội vàng lấp đầy khoảng trống, đừng cố ngủ vùi để quên đi nỗi thất vọng, đừng gặp gỡ hay bắt đầu những mối quan hệ không cần thiết. Bạn cần thời gian để chuyển tiếp qua một giai đoạn mới của cuộc đời. Ly hôn là sự thay đổi rất lớn, hãy cho bản thân mình thời gian, nhưng là thời gian để sống lành mạnh chứ không phải vùi vào các hoạt động giải sầu có tính nhất thời.

7. Phát triển bản thân

Đổ vỡ là kết quả từ nhiều nguyên nhân, bạn không nên tự ôm hết trách nhiệm vào mình một cách tiêu cực. Đánh giá khách quan nguyên nhân, nhìn nhận lại một cách trung thực cuộc hôn nhân của hai người. Điều đó có thể khiến bạn đau nhưng cũng sẽ giúp bạn trưởng thành. Vượt qua được khúc cua này, bạn sẽ rèn luyện được sức mạnh tinh thần. Khi bạn đối mặt với những nỗi sợ, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và chiến thắng được nhiều thử thách hơn trong cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm