Khát khao sống của chàng thanh niên 25 tuổi

Dù đôi chân không lành lặn, việc đi đứng gặp nhiều khó khăn nhưng Nguyễn Văn Đức (25 tuổi, ngụ xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) luôn muốn làm mọi việc bằng chính khả năng của mình chứ không dựa dẫm vào ai  khác...

Dùng dao lam cứa khắp người để tự tử

Mấy tháng nay, người dân ở chợ Cam Bình (thôn Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi, Bình Thuận) đã quen thuộc với hình ảnh của một thanh niên 25 tuổi, chân đi không vững, đội mũ lưỡi trai, bán vé số khắp chợ để kiếm sống. Lúc Đức mới đến chợ để bán, người ta nghi ngờ Đức giả vờ tật nguyền để mua lòng thương hại của người khác nên còn e ngại... Biết rõ mọi người đang nghĩ gì về mình nên hôm sau, Đức mang theo hai tấm ảnh chụp lúc mình vừa gặp nạn để đưa cho mọi người xem.

Dù trong hoàn cảnh nào Đức vẫn tươi cười trò chuyện với mọi người. Người dân xung quanh chợ bây giờ ai cũng thương vì chính nghị lực của Đức. Ảnh: THANH TUYỀN

Đức vốn là một thợ mộc, tai nạn xảy ra cách đây 10 năm khiến Đức muốn chết đi nhiều lần. Đó là một buổi sáng, khi đang chạy xe trên đường đi làm ngang qua một khúc cua nguy hiểm, Đức bị một chiếc xe cấp cứu do ôm cua không hết đâm phải. Tai nạn đó khiến Đức bị chấn thương sọ não, phần xương chậu cũng bị gãy, ảnh hưởng đến đôi chân không thể đi lại được. Thời điểm đó, bác sĩ bảo rằng có thể chữa được đôi chân nhưng vì gia đình không có tiền nên đưa Đức về nhà mà không chạy chữa gì. Vì não bị tổn thương nên Đức cũng mất khả năng phát âm rõ ràng từng chữ, chỉ có thể nói ú ớ, người nghe phải kiên nhẫn mới hiểu được Đức muốn nói gì.

Những ngày tiếp theo, Đức sống trong u uất khi không thể tự lo được cho mình, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người khác làm giùm. Lúc gặp nạn, Đức còn quá trẻ nên càng thấy tự ti và không tìm được lối thoát. Suốt nhiều năm như vậy, Đức nghĩ đến cái chết và tự hành hạ mình bằng những vết dao cứa sâu khắp phần bụng trên người mình. Thậm chí Đức còn nhiều lần cắt cổ tay mình để có thể được chết đi...

“Đức không cảm thấy đau gì cả, mà mỗi vết cứa như giúp mình thấy nhẹ nhõm hơn, thấy dễ chịu hơn. Cái ý nghĩ chết đi cho rồi chứ sống làm gì mà bất lực như vậy cứ đeo bám nên mình hy vọng có thể chết đi bằng cách đó..." - giọng Đức ú ớ, ngắt quãng khi nhớ lại khoảng thời gian đó.

Nhưng nhiều lần như vậy, Đức mở mắt ra vẫn thấy mình còn sống, nghe rõ những âm thanh cuộc sống ngoài kia. “Lúc đó mới nghĩ rằng à mình chưa thể chết được rồi, chỉ còn cách chấp nhận nó và sống tiếp thôi...” Đức nói về lý do khiến mình thay đổi suy nghĩ.

Kể từ đó Đức bắt đầu nghĩ đến việc tập đi trở lại dù thật sự rất khó khăn, khung xương bị vỡ nên Đức có thể té bất cứ khi nào. Dù vậy, Đức xác định rõ ràng rằng không thể cứ phụ thuộc vào người khác mãi được. Mỗi ngày Đức đều bắt xe buýt đi hơn 30 cây số để bán vé số, tự lo cho mình.

"Hãy để em tự đứng dậy..."

Giữa trưa nắng, Đức cầm trên tay xấp vé số còn nguyên, đôi chân di chuyển khó nhọc, bước từng bước như trẻ tập đi. Chưa qua hết cổng chợ, người ta thấy Đức choáng váng, mất thăng bằng rồi té rầm giữa nền đất...  Nhiều người xung quanh thấy vậy liền chạy tới để đỡ Đức dậy, nhưng không, Đức lắc đầu nguầy nguậy: “Hãy để em tự đứng dậy...” - Đức nói không rành rọt, phát âm còn ngọng ngịu.

Mỗi lần té ngã, lúc nào cũng có người chạy ra để đỡ Đức đứng dậy nhưng lần nào Đức cũng từ chối mà tự mình tìm cách để đứng dậy rồi đi tiếp. Không có khi nào người ta thấy Đức buồn bã, bực dọc khi vừa té ngã mà chỉ luôn thấy nụ cười trên gương mặt của Đức. Thậm chí vì đi lại khó khăn nên Đức thường xuyên trễ hết tuyến xe buýt này đến tuyến xe buýt khác nhưng Đức cũng chỉ đứng gãi đầu rồi cười trừ. Hễ gặp ai Đức cũng chào hỏi, nói chuyện với người lớn lúc nào cũng dạ, thưa. Ai mua giúp tờ vé số, Đức liền vòng tay và nói lời cảm ơn.

Mỗi lần té ngã, lúc nào cũng có người chạy ra để đỡ Đức đứng dậy nhưng lần nào Đức cũng từ chối mà tự mình tìm cách để đứng dậy rồi đi tiếp. Ảnh: THANH TUYỀN

Có người thấy hoàn cảnh của Đức như vậy chạy đến ngỏ ý giúp đỡ Đức một ít thì Đức từ chối, nói rằng không thích nhận không của ai bao giờ, được thì mua giúp vài tờ vé số là Đức vui rồi.

Người già ở chợ thương Đức như cháu, như con trong nhà nên kéo tới cho tiền, Đức cũng không nhận mà bảo: “Già rồi còn sức đâu làm ra tiền mà cho, để dành đó có mà xài...”. Có người muốn cho nhưng sợ Đức không nhận, sai mấy đứa con nít quanh xóm chạy ra đưa, Đức không lấy, bảo rằng ai lại đi lấy tiền của con nít mà xài, coi sao được...

“Mình chỉ muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình thôi chứ không phải đi xin tiền. Mọi người tốt lắm, ai cũng tìm cách giúp mình nhưng không thích, để mình tự làm bằng chính sức của mình, không muốn làm phiền ai cả” - Đức nói.

Đức chỉ mới 25 tuổi, còn cả một quãng đường dài phía trước để sống, để được yêu thương. Vậy nên Đức bảo rằng khát khao cháy bỏng nhất bây giờ là đôi chân được khỏe mạnh trở lại để được làm việc nhiều hơn nữa bằng chính sức lực của mình.

“Nếu đôi chân khỏe lại, mình nghĩ là mình có thể làm được nhiều việc hơn. Dù công việc đó nặng hay nhẹ mình cũng làm. Mình muốn được sống tự lập là được lao động” - Đức nói.

Đức còn bảo rằng lâu nay Đức ấp ủ sẽ đủ sức để xây cho mình một tổ ấm. Ở đó có người vợ và những đứa con luôn đợi Đức trở về mỗi ngày...

 

“Lúc nào cũng thấy Đức cười hết, dù mới té ngã xong đứng dậy là cười liền cái đã. Xe buýt tới mà cách có vài bước chân, người ta sợ trễ chạy ra đỡ cũng không chịu. Trễ thì thôi chứ Đức luôn muốn tự mình làm tất cả mọi thứ”. Anh LÊ TẤN LỘCngười dân ở gần chợ Cam Bình

-----------------------------------------

Mong muốn gặp được một người “nghèo và xấu...”

Giữa cuộc trò chuyện, Đức nói với tôi rằng nếu được chữa lành đôi chân, Đức muốn có cơ hội được gặp một người. “Người đó là một cô gái nghèo và xấu, vì người nghèo mới có thể hiểu được Đức và xấu thì không có chảnh như mấy cô mà Đức từng gặp. Quan trọng là người đó có thể nghe Đức tâm sự vào mỗi đêm, sau một ngày làm việc vì cuộc đời Đức có nhiều chuyện không vui...” - Đức nói.

Hỏi rằng tại sao cứ là “nghèo và xấu” thì Đức chỉ cười trừ, bảo rằng chỉ muốn như vậy thôi chứ không đòi hỏi gì thêm nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm