Khi nào công an được nổ súng?

Từ 1-2-2014, theo Nghị định 208/2013 của Chính phủ thì người thi hành công vụ (THCV) có quyền được nổ súng để phòng vệ, khống chế, bắt giữ những đối tượng có hành vi cản trở, chống đối.

PGS-TS Phạm Quang Phúc, Trưởng khoa Nghiệp vụ cảnh sát hình sự, ĐH Cảnh sát TP.HCM, giải thích: “Người THCV gồm có: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”.

Không phải cứ công an là có quyền nổ súng

.Không như những người THCV khác, cứ nói đến công an là người ta nghĩ ngay đến một khẩu súng kè bên người. Có đúng vậy không, thưa ông?

+ Việc dùng súng trong các đơn vị đều có quy định khắt khe chứ không phải ai là công an cũng có quyền dùng súng. Người dùng súng phải là những người trực tiếp làm nhiệm vụ. Như trong lực lượng công an hiện nay chỉ có lực lượng trinh sát hình sự, còn trinh sát môi trường hay trinh sát kinh tế… không được dùng súng.

Đối với lực lượng CSGT, không phải tất cả đều mang súng mà họ chủ yếu sử dụng công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, ban đêm lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, cơ động được mang vũ khí. Ở Hà Nội có lực lượng tuần tra cảnh sát cơ động 141, còn ở TP.HCM có lực lượng đặc nhiệm cơ động, tuần tra… Lực lượng này sẽ tuần tra từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau. Vào những dịp cuối năm này, lực lượng tuần tra được tăng cường rất mạnh. Chúng ta cũng phải hiểu những quy định này cũng là để đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân.

Khi nào công an được nổ súng? ảnh 1

. Theo thống kê của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an, những trường hợp vi phạm luật giao thông chiếm đến 60% “ca” chống đối người THCV. Điều này cho thấy Nghị định 208 sẽ tác động rất lớn đến những hành vi liên quan tới CSGT. Như vậy, CSGT được bắn nếu bị người vi phạm giao thông cố tình gây thương tích trực tiếp?

+ Hiểu như vậy là sai. Bất kỳ người THCV nào cũng đều bị nghiêm cấm vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tất cả đều không được phép xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi THCV.

Chính vì thế, việc dùng súng phải theo những nguyên tắc cụ thể. Thứ nhất, phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất mức độ, hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định nổ súng. Thứ hai, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc bản thân. Thứ ba, không nổ súng nếu đối tượng đó là phụ nữ mang thai, trẻ em, tàn tật (trừ trường hợp những người này cương quyết chống trả và có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến nhiều người). Chẳng hạn, một phụ nữ ôm mìn trong người kiên quyết tấn công vào đoàn lãnh đạo cấp cao hay trong các cuộc mít tinh lớn… thì buộc phải kịp thời ngăn chặn. Thứ tư, trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng.

Nổ súng là giải pháp cuối cùng

. Những hành vi nào bị coi là cản trở người THCV và có thể bị bắn?

+ Đó là các hành vi dùng vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng người THCV, hành vi cản trở, ép buộc người THCV không thực hiện nhiệm vụ được giao. Các hành vi này thường thấy ở các đối tượng mang ma túy, mang súng ống, những kẻ phạm tội có nguy cơ trốn ra nước ngoài… Tức nếu không ngăn chặn hành vi này lại thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn.

. Tuy vậy, nổ súng vẫn phải được coi là giải pháp cuối cùng?

+ Đúng vậy, ngăn chặn đối tượng nhưng phải chú ý để không làm ảnh hưởng đến người khác. Vì thế nên bắn vào các phương tiện để người vi phạm có thể dừng lại. Chẳng hạn như bắn vào lốp xe. Tuy nhiên, phải chọn lốp xe sau để bắn bởi trong trường hợp như bắt cóc con tin, trên xe có nhiều người, nếu xe đang đi với tốc độ nhanh và bắn vào lốp trước sẽ làm xe bị lật gây nhiều thiệt hại.

. Cảnh sát có thể bắn chỉ thiên để cảnh cáo trước khi bắn thật để hạn chế gây thương tích?

+ Chúng tôi đã từng có những hội thảo trao đổi về vấn đề này. Điều đáng nói là có tình trạng sau khi bắn chỉ thiên cảnh cáo, hô đứng lại thì đối tượng đã bắn trực tiếp vào người THCV.

. Nhưng sẽ ra sao nếu người thi hành nhiệm vụ cố tình bắn khi chưa cần thiết?

+ Điều 107 Bộ luật Hình sự có quy định về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi THCV. Điều luật này dùng để áp dụng cho những trường hợp người THCV dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Điều 96 bộ luật này còn quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Như vậy, tùy trường hợp lạm quyền mà người THCV sẽ bị xử lý thật nặng.

. Xin cảm ơn ông.

TS PHAN ANH TUẤN - Trưởng Bộ môn luật hình sự - Trường ĐH Luật TP.HCM:

Hướng dẫn chi tiết để dễ xác định

Theo luật định thì phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả một cách hợp pháp đối với người thực hiện hành vi xâm hại những lợi ích được pháp luật bảo vệ bằng cách gây thiệt hại cho chính người đó.

Để được coi là phòng vệ chính đáng thì phải đảm bảo các điều kiện sau: Hành vi tấn công nguy hiểm đáng kể cho xã hội và trái pháp luật; hành vi tấn công phải đang tồn tại trên thực tế; hành vi tấn công đang hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của người khác hoặc của bản thân người phòng vệ; hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người tấn công và phải trong giới hạn cần thiết để loại bỏ hành vi tấn công.

Trên thực tế, hành vi tấn công cũng như hành vi phòng vệ diễn ra hết sức đa dạng. Do đó, để có thể xác định có sự giới hạn (mức độ) cần thiết để loại bỏ hành vi tấn công hay không chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở đánh giá một cách tổng hợp các tình tiết liên quan đến vụ án.

Về mặt lý luận, để xác định sự giới hạn (mức độ) cần thiết để loại bỏ hành vi tấn công trong phòng vệ chính đáng vào những căn cứ sau: (1) Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; (2) Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; (3) Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; (4) Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng; (5) Sức mạnh và khả năng phòng vệ của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể v.v...

Lý thuyết là vậy nên nếu Bộ Công an có thêm văn bản hướng dẫn thông qua nhiều tình huống thì sẽ hạn chế được sai sót.

Luật sưLÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Bắn súng cũng phải có mức độ thấp, cao

So với bản dự thảo được Bộ Công an công bố trước đây thì Nghị định 208/2013 đã có sự tiếp thu đáng kể các ý kiến góp ý. Tuy nhiên, Nghị định 208 vẫn chưa làm rõ thế nào là “trong trường hợp cần thiết, cấp bách… được nổ súng để khống chế, bắt giữ người chống đối” nên có thể dẫn tới sự lạm dụng của người thi hành công vụ (THCV). Nếu điềm đạm thì người THCV còn kiên nhẫn để giải thích cho người vi phạm và chỉ đến khi nào tất cả biện pháp đều không đạt hiệu quả thì mới phải nổ súng. Nhưng nếu là người nóng tính thì mức độ, khả năng kiềm chế rất khó, khi đó quyết định nổ súng sẽ được đưa ra nhanh chóng hơn mà có thể bỏ qua các bước như giải thích, thuyết phục.

Ngay cả trường hợp được phép nổ súng cũng không thể quy định chung chung mà có thể sử dụng các biện pháp trấn áp từ mức độ thấp đến cao như bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Nếu đối tượng vẫn tiếp tục chống đối, tấn công thì mới áp dụng biện pháp mạnh hơn, đó là bắn vào chân, tay hoặc những nơi ít nguy hiểm đến tính mạng hơn, cuối cùng mới đến cấp độ buộc phải bắn chết.

Thời gian gần đây, số vụ đối tượng chống lại lực lượng công an có tăng nhưng công bằng mà nói thì người THCV lạm dụng súng, công cụ hỗ trợ cũng không phải là ít. Do vậy, nếu hành lang pháp lý không rõ ràng thì rất dễ dẫn tới lạm quyền hoặc người THCV nhát tay do sợ vượt quá mức cho phép.

YÊN TRANGthực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm