Khi người già ‘sống ảo’ trên Facebook

Trở về sau chuyến du lịch Thái Lan, cô NTV tỏ ra khá mệt mỏi. Ngược lại, mẹ của cô lại quá phấn khích, bà không ngừng chụp ảnh “tự sướng” và luôn yêu cầu V. chụp ảnh cho bà để đăng Facebook. Trong suốt thời gian đi du lịch, cứ mỗi 30 phút bà lại đăng ảnh lên Facebook một lần.

Du lịch trên “phây”

V. cho biết cô đã xin nghỉ phép, đặt tour để đưa mẹ đi du lịch bởi gần đây mẹ cô tâm sự rằng bà ao ước được đi thăm đất nước Thái Lan nhưng bà không biết ngoại ngữ, không thể tự xoay xở ở nước ngoài. V. tin rằng mẹ sẽ rất vui bởi chuyến đi cùng con gái.

Vừa đến sân bay làm thủ tục, V. thấy mẹ rất hăng hái chụp ảnh để “up phây”. Khi xuống sân bay ở Thái Lan, bà đã tìm chỗ có WiFi để kiểm tra xem có ai like, ai comment hay chưa. Kể từ đó, suốt chuyến du lịch, mẹ của V. chỉ chăm chỉ chụp ảnh đăng Facebook mà không tập trung vào chuyện gì khác, kể cả lúc thưởng thức tiệc buffet.

V. rất thương mẹ, một phụ nữ chân quê, giản dị. Lần đầu tiên đưa mẹ đi nước ngoài, thấy mẹ phấn khích như thế, V. càng thương mẹ hơn. Mấy lần V. nhắc nhẹ mẹ đừng chăm chú vào Facebook vì sẽ bị mất nhiều thời gian thưởng thức chuyến đi nhưng không được. Sau đó, bà tâm sự với con gái: “Cô H. bạn của mẹ tháng trước khoe ảnh đi chơi Campuchia, ngày nào cũng đăng ảnh. Cô còn hỏi mẹ sao có con gái đi công tác nước ngoài như đi chợ mà mẹ chưa được đi đâu. Lần này thì mẹ “úp phây” cho biết”. Lúc này V. mới biết chuyến đi này chủ yếu để “cạnh tranh” với bạn Facebook của mẹ.

Nhưng điều đó cũng không có gì đáng nói nếu một tối về khách sạn, V. thấy mẹ buồn bực. Bà đưa cô xem một bình luận của đứa cháu: “Mấy ngày nay cô đăng nhiều ảnh quá. Cô đi chục nước rồi hả cô?”. Mẹ cô cho rằng người cháu này có ý mỉa mai mình. Bà nói: “Mẹ đăng ảnh nó không like nhưng vô còm như vậy. Trong khi cô H. đăng ảnh nào là nó vô like hết. Nó chắc chắn có ý gì đó”. Và bà… unfriend luôn cô cháu gái của mình sau đó

Tổn thương vì Facebook

Mẹ của VTY cũng tham gia Facebook vì ở nhà không có việc gì làm cũng buồn. Y. đã dành thời gian vào Facebook của mẹ cô mỗi ngày để “nắm bắt tình hình thời sự”. Y. xin kết bạn với các bạn của mẹ, trong đó có cô T. cũng là cô giáo cũ của Y. Cô T. mới đây đăng những dòng trạng thái rất tâm trạng.

Các cô chú nên sử dụng mạng xã hội như một kênh giúp chúng ta bước ra thế giới, quan sát được cuộc đời bằng nhiều góc nhìn hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần cân bằng quỹ thời gian sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cá nhân như giải trí, thể thao, giao tiếp với mọi người. 

Mẹ của Y. cho biết cô T. và chồng đang lục đục bởi ông đi họp lớp cũ nhưng về không đăng hình ảnh gì trên Facebook. Sinh nghi, cô T. đã vào các Facebook bạn của chồng và phát hiện khá nhiều hình ảnh chồng mình chụp ảnh rất thân mật với cô bạn học - người yêu cũ. Cô người yêu cũ sống đơn thân nhiều năm nay. Từ sau buổi họp lớp, cô người yêu cũ thường xuyên đăng thơ tình và những dòng trạng thái phơi phới. Chuyện của gia đình cô T. nay thành “tâm điểm thời sự” của cả lớp đồng khóa cũ.

Một người bạn của mẹ Y. khi về thăm quê, ông cũng rất chăm chỉ đăng ảnh “cúng phây”, trong đó có “phóng sự” ông gặp các bạn thời chăn trâu làm tiệc gặp mặt ở quê bằng thịt chó. Vài giờ sau, bài đăng của ông bị vài người chia sẻ lại. Sau đó, rất nhiều bình luận thóa mạ, chửi bới của những người xa lạ trên mạng xã hội đã đổ bộ vào Facebook của ông. Ông đã phải đóng Facebook và nhập viện vì bị sốc.

Mẹ của Y. thỉnh thoảng cũng chia sẻ những tin đồn thất thiệt. Các cô chú bạn của mẹ Y. vào bình luận rôm rả, thể hiện nỗi đau buồn bất lực trước những việc rất “tào lao” trên mạng.

Y. vội gọi cho cậu em trai ở chung với cha mẹ, căn dặn: “Em nhất định không được cho bố chơi Facebook nhé. Chị em mình sẽ tìm cách cai Facebook cho mẹ”. Nhưng đến nay nhiệm vụ này đối với chị em Y. xem như “bất khả thi”!

Cần có sự kết nối thực với gia đình

Bản thân người già khi có nhiều thời gian và họ hay hoài niệm về quá khứ, về vai trò xã hội của mình là điều không thể tránh khỏi trong độ tuổi này. Nhu cầu này là có thật, khi có thêm công cụ công nghệ thông tin thì nhu cầu này được bày tỏ nhiều hơn, dễ dàng hơn với người lớn tuổi.

Ở tuổi này, họ thường xuyên đăng tải những điều không được tích cực về mặt cảm xúc là dễ hiểu. Song song bên cạnh đó thì như một quy luật tâm lý, người lớn tuổi vẫn tìm cách kháng cự với những cảm xúc tiêu cực tuổi già. Thế nên họ thường xuyên đăng ảnh để chứng tỏ cuộc sống của mình vẫn rất ổn, rất vui nhưng với hàm lượng quá nhiều, không kiểm soát được nên thành ra sống ảo.

Con cái cần làm cho họ không cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, họ sẽ không phải tìm đến mạng xã hội, đó là giải pháp mang tính bền vững. Đó cũng là cơ hội để người trẻ giúp đỡ người già về mặt công nghệ, giúp họ lọc thông tin, cái nào nên share, cái nào nên like, giúp họ bình tâm trước những thông tin nhiễu loạn. Vai trò giúp đỡ của người trẻ chỉ diễn ra hiệu quả khi sự kết nối là thực sự, nếp nhà là nhà thật sự.

ThS tâm lý TÔ NHI A

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm