Khi phận 'chó chui gầm chạn' làm 'vua'

“Xin lỗi chúng mày, tao phải về đây. Nhà dạo này nhiều việc quá…” - V. xem đồng hồ rồi hấp tấp chia tay nhóm bạn học cũ lâu ngày mới gặp. Chúng tôi khích": “Ừ, về đi! Nhanh không cục cưng lại đòi sữa”.

Cô bạn tôi quay lại cười gượng gạo rồi bất chấp những lời mỉa mai ấy, bước thẳng ra chỗ lấy xe, phóng về nhà.

Trước đây V. là một sinh viên năng nổ, khá cá tính trong lớp đại học. Ra trường với tấm bằng giỏi, V. vào làm kế toán cho một công ty được hai năm rồi lấy chồng. Chồng V. ngang tuổi, có bằng kỹ sư xây dựng nhưng làm trong lĩnh vực quảng cáo.

Có lẽ bất đắc chí vì sự “học” không đi đôi với “hành”, lại đang trong tình cảnh ở rể nên chồng V. thay vì làm tròn trách nhiệm gia đình thì lại có mối bận tâm quá lớn tới vị thế của mình. Anh ta luôn tâm đắc sử dụng câu thành ngữ “Chó chui gầm chạn” để có lý do hục hặc với mọi chuyện.

Cha mẹ V. cắt hẳn một nửa gian nhà hơn 60 m2 để gia đình V. sinh hoạt riêng. Từ chuyện nấu ăn cho tới quản lý kinh tế đều độc lập, chỉ mỗi cái cửa ra vào là phải đi chung. Do vậy, đi làm về, ngoài việc hớn hở chào cha mẹ vợ thì rất hiếm hoi để có thể bắt gặp nụ cười của chồng V. Cứ về là vào phòng đóng kín cửa, mở máy tính đọc tin tức hoặc chơi cờ tướng và đợi vợ về chuẩn bị bữa ăn.

Thời gian đầu V. còn phản ứng, hỏi anh gặp chuyện gì mà suốt ngày âm thầm như ma thế? Có thể ngừng chơi game để giúp em cắm nồi cơm không? Hai đứa cùng làm cho vui… Chồng V. không làm cũng không nói gì, hôm sau “tương” lên Facebook dòng trạng thái đầy ẩn ý: “Vâng, tôi hèn! Nhưng đừng tưởng dễ kéo tôi vào bếp, coi chừng cháy hết!”.

Rồi những lần sau, khi bàn bạc hay tranh luận bất cứ vấn đề gì, chồng V. đều cố thắng. Thế nhưng những lần ấy, khi V. chán không muốn đối đáp, nói thôi chúng mình hòa anh nhé, tạm gác chuyện này lại thì anh ta lại nói mát: “Việc đó em cứ quyết đi. Anh là phận chó chui gầm chạn, cần gì phải tôn trọng đến mức hỏi ý kiến”.

V. hiểu và thương chồng đang mặc cảm thân phận ở rể. Sự thông cảm kỳ quặc ấy biến V. từ chỗ tìm mọi cách để an ủi, động viên bạn đời (nhưng thất bại) thành người vợ cam chịu và chiều chuộng mọi yêu sách của chồng lúc nào không hay. Cô luôn lo sợ chồng ở nhà vợ nên tủi thân và tìm cách cung phụng nhằm khiến anh ta nguôi ngoai, không bị xoáy sâu vào suy nghĩ ấy nữa.

Từ chỗ là người phụ nữ cá tính, có lối sống hiện đại, bạn tôi đang bị người chồng của mình hoặc vô tình, hoặc cố ý nhốt dần vào những suy nghĩ lỗi thời. Cô đang làm nô lệ cho chính sự thông cảm vô lý của mình.

Ảnh minh họa: INTERNET

Trong buổi họp mặt bạn bè vừa rồi, trước khi tất tả ra về, V. khoe đã dành dụm được số tiền kha khá, vay mượn thêm chút nữa là có thể mua được ngôi nhà riêng. Nhìn V. phấn khởi, khoe “sắp tìm lại được tiếng cười của ông xã” mà không một đứa bạn nào dám... chia vui.

Với suy nghĩ cổ hủ, dằn dỗi kiểu trẻ con, luôn đặt mối bận tâm quá lớn về vị trí người đàn ông như chồng V. , không ai chắc rằng sau khi có nhà riêng, anh ta lại không tìm được cớ gì khác để biến vợ thành con ở.

Mà với bạn tôi, chồng nó luôn là “vua”. Đau đầu thật!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm