Khoảng 5% dân số sẽ di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ giới thiệu Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (tên viết tắt là M.net) vừa được tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội.

Theo các báo cáo thống kê của Chính phủ và của các tổ chức xã hội dân sự đã chỉ ra một xu hướng nổi bật là luồng di cư từ nông thôn ra thành thị đang gia tăng về số lượng rõ rệt trong vòng một thập kỷ vừa qua.

Số người di cư giữa các tỉnh tăng từ 1,3 triệu người năm 1989 lên 2 triệu người năm 1999 và lên tới 3,4 triệu người năm 2009. Dự báo sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, chiếm khoảng 5% dân số.

Lao động di cư đối mặt với nhiều khó khăn nơi đô thị.  

Độ tuổi di cư có xu hướng trẻ hóa nhưng trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp. Thu nhập từ công việc thấp và không ổn định, trung bình chỉ đạt 2,2-2,5 triệu/tháng, thời gian làm việc bình quân 47,3 giờ/tuần. Đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Cũng trong buổi lễ, triển lãm “Gánh số phận, nhặt tương lai” đã được khai mạc. Triển lãm là câu chuyện qua ảnh của 18 thành viên nhóm tự lực dự án STONES, mô hình nhóm tự lực của người di cư bán hàng rong và đồng nát Hà Nội được tham gia khóa tập huấn hướng dẫn kể chuyện qua ảnh. 

Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9-2015, các thành viên đã chụp 58 bức ảnh với các chủ đề về rủi ro trong lao động di cư, giá trị của lao động di cư mang lại cho cộng đồng nơi đi và nơi đến và tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động di cư. 

Triển lãm ảnh giúp cộng đồng hiểu sâu hơn về cuộc đời, số phận, những khó khăn và thách thức người lao động di cư phải đối mặt. Qua đó, giúp người di cư mạnh dạn hy vọng, ước mơ và xây dựng một tương lai tươi sáng cho chính mình. Triển lãm cũng là cơ hội để lao động di cư nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào việc vận động chính sách để giúp họ tiếp cận tốt hơn với các chính sách an sinh xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm