'Không có chính sách nào đẹp như hoa hậu được'

Tại hội thảo, TS Nguyễn Quang Việt - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương thấp hơn đáng kể so với lao động qua đào tạo (4,8 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng/tháng).

Nhìn chung thu nhập của lao động nữ di cư là thấp, chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống, những người đang phải thuê nhà và có con nhỏ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. TS Việt cũng chỉ ra một trong những vấn đề của lao động di cư, đó là kỷ luật lao động.

“Sau mỗi kỳ Tết có người lao động ở quê đến hết rằm tháng Giêng, không còn chuyên nghiệp. Các cơ sở sản xuất họ nói rằng sau Tết không có người làm, công việc rất đình trệ” - TS Việt cho hay. Cũng theo TS Nguyễn Quang Việt, cách mà chúng ta đưa ra tưởng như là bảo vệ mà có khi lại làm mất cơ hội của chị em, người ta vẫn gọi là bảo vệ quá mức.

“Chúng ta có nhiều chính sách hay nhưng có làm không… Không có chính sách nào đẹp được như hoa hậu được. Không đẹp được thì chúng ta cải thiện, tôi nghĩ qua đối thoại chính sách” - TS Việt nói.

 TS Nguyễn Quang Việt tại hội thảo. 

Khảo sát cũng được chỉ ra, lao động nữ ít được tham gia bảo hiểm xã hội (30%), bảo hiểm y tế (39%), bảo hiểm thất nghiệp (21%) tại nơi làm việc. Các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm lương hưu và trợ cấp tử tuất mà không có chế độ thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Với khu vực phi kết cấu, lao động nữ di cư chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện nhưng loại bảo hiểm này không bao gồm hai lợi ích ngắn hạn mà họ thực sự cần để giảm thiểu và ứng phó với những rủi ro trong việc làm và đời sống của họ và họ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan International Việt Nam, nhấn mạnh: Nhu cầu việc làm bền vững, môi trường sống an toàn và cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội ở các khu vực đông người nhập cư luôn rất lớn.

Còn theo Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam - bà Elisa Fernandez, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm bảo đảm “không ai bị bỏ lại sau”. Đặc biệt, cần xây dựng các tiêu chí việc làm bền vững, tiếp cận an sinh xã hội, tôn trọng quyền của lao động nữ nhập cư ở TP Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm