Không được cấm công dân đi làm việc nước ngoài

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo.

Theo đó, liên quan đến biện pháp khắc phục hậu quả đối với người lao động không về nước đúng thời hạn sẽ cấm đi làm việc ở nước ngoài (quy định tại điểm n, b, c khoản 3 Điều 47 dự thảo Nghị định), theo Bộ Tư pháp chưa bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ Tư pháp cho rằng không thể cấm công dân đi làm việc nước ngoài. Ảnh: V.LONG

Cụ thể, theo Hiến pháp quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên thì: Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình.

Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.

“Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo không quy định biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên để đảm bảo tính tương thích, phù hợp với Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Về việc quy định hành vi vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp nhận thấy, một số vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các văn bản pháp luật có liên quan chưa được quy định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm cũng chưa được mô tả cụ thể, rõ ràng theo quy định.

“Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định về việc xử lý đối với các hành vi đã xảy ra trước khi Nghị định này được ban hành mà chưa được lập biên bản vi phạm hành chính thì xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào Nghị định nào…”, báo cáo thẩm tra Bộ Tư pháp nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm