Không xử phạt lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước

Theo đó, người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1-5 đến hết ngày 30-9-2016 thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 62, trong đó nêu rõ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1-9-2015 đến hết ngày 31-12-2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Được biết những năm gần đây, tình trạng lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của người lao động Việt Nam và dẫn đến việc Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam.

Nếu giảm được tỉ lệ lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc, nhiều lao động Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc ở nước này.

Trước thực trạng đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, chính sách như ký quỹ, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính... nhằm giảm tỉ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp.

Ông Tống Hải Nam, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết nếu năm 2012, khoảng 58% lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Tức là cứ một trăm người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc thì chỉ có 42 người về nước, 58 người ở lại. Để hạn chế lao động bất hợp pháp Việt Nam đã triển khai những giải pháp quyết liệt, vì vậy năm 2015 có thời điểm giảm 31% nhưng hai bên vẫn mong muốn dưới 30%...” - ông Nam nói và cho biết cuối năm 2014, Việt Nam có 18.000 lao động bất hợp pháp thì đến cuối 2015 con số này đã giảm xuống 15.000. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm